Chào mừng Festival Hoa Đà lạt lần thứ X, hướng đến Kỷ niệm 50 năm giải phóng Đà Lạt và chào mừng Đại hội Đảng các cấp Chào mừng Festival Hoa Đà lạt lần thứ X, hướng đến Kỷ niệm 50 năm giải phóng Đà Lạt và chào mừng Đại hội Đảng các cấp
Đèn xanh đèn đỏ có giảm được ùn tắc ở nội ô Đà Lạt? In trang
04/02/2021 03:01 CH

Thông tin về việc Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp chỉ đạo Sở Xây dựng tổ chức lấy ý kiến người dân, cán bộ, đảng viên, chuyên gia giao thông, cán bộ lão thành, các sở, ngành… về việc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông (đèn xanh đèn đỏ) ở một số điểm có mật độ giao thông cao gắn với xây dựng, phát triển đô thị thông minh trên địa bàn TP Đà Lạt những ngày qua đang nhận được sự quan tâm của người dân và du khách. Như vậy là sau nhiều năm “bảo vệ” danh hiệu “thành phố không đèn xanh đèn đỏ” nhưng không thể giải được bài toán ùn ứ giao thông ở trung tâm thành phố vào giờ cao điểm và lễ, tết; Đà Lạt đang tính đến việc lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông với hy vọng có thể giải quyết được vấn nạn kẹt xe. 

 

Đường Trần Quý Cáp chật kín xe cộ vào 10 giờ sáng ngày Chủ nhật 31/1
Đường Trần Quý Cáp chật kín xe cộ vào 10 giờ sáng ngày Chủ nhật 31/1

 

Tại sao phải “lấy ý kiến” các chuyên gia và người dân?

 

Có lẽ lý do chính khiến người đứng đầu chính quyền tỏ ra vô cùng thận trọng và yêu cầu phải trưng cầu ý kiến các tầng lớp nhân dân là bởi danh hiệu “Thành phố 3 không” - không đèn xanh đèn đỏ, không máy lạnh, không xích lô vốn từ lâu đã được người dân cả nước ngợi ca và xem đó như là những nét đặc trưng thú vị rất riêng của thành phố Đà Lạt. Lý do nữa, đó là vì Đà Lạt có những đặc thù rất riêng về địa hình. Đường sá ở Đà Lạt khá nhỏ hẹp, quanh co, đồi dốc, liệu có phù hợp với việc dừng đỗ chờ đèn xanh đèn đỏ hay không. 

 

Phải thừa nhận rằng, những năm gần đây, do dân số thành phố Đà Lạt ngày càng gia tăng, từ 191 ngàn dân vào năm 2005 lên 250 ngàn dân vào năm 2020; cùng với đó là sự gia tăng rất nhanh của các phương tiện giao thông và sự phát triển của ngành du lịch, đã khiến cho hạ tầng giao thông của Đà Lạt vốn được thiết kế từ ban đầu là thành phố nhỏ bé, thư nhàn với mật độ dân số thấp không đáp ứng kịp, mặc dù suốt từ đó đến nay, thành phố vẫn liên tục cho mở rộng các tuyến đường chính, cải tạo và mở rộng một số các vòng xoay ở khu vực trung tâm. Cứ vào mùa cao điểm du lịch hè, các dịp lễ, tết; ở khu vực trung tâm, người dân thành phố và du khách lại “ca bài ca” kẹt xe. 

 

“Đề bài” giải quyết vấn nạn kẹt xe ở trung tâm Đà Lạt mà không sử dụng hệ thống đèn xanh đèn đỏ để giữ nét riêng cho Đà Lạt cũng đã được các vị lãnh đạo của tỉnh, thành phố qua các thời kỳ nhiều lần yêu cầu ngành giao thông, các chuyên gia đưa ra cách “giải” tốt nhất nhưng vẫn chưa có cách nào thật sự mang lại hiệu quả. Tình trạng ùn ứ ở các giao lộ, đặc biệt là tại vòng xoay đường 3 tháng 2 - Hải Thượng, vòng xoay Phan Chu Trinh, Kim Cúc…; và các điểm tham quan du lịch như Vườn hoa Đà Lạt, Thung lũng Tình Yêu, Đồi Mộng Mơ… vẫn diễn ra gây khó chịu cho người dân và du khách. Điều đáng nói là tình trạng kẹt xe không chỉ xảy ra vào những dịp lễ, tết cao điểm với số lượng du khách đến thành phố đông mà gần đây đã xảy ra cả vào những ngày thường nhật trong tuần vào giờ cao điểm, giờ tan tầm của học sinh, phụ huynh, người lao động.

 

Ùn tắc giao thông ngày càng diễn ra thường xuyên

 

Những năm gần đây, lực lượng cảnh sát giao thông thành phố Đà Lạt vào giờ cao điểm buổi sáng, trưa, chiều đều phải có mặt ở các nút giao thông để điều tiết giao thông, phân luồng tránh ùn tắc kéo dài. Trung tá Nguyễn Văn Hùng - Đội trưởng Đội CSGT - trật tự, Công an thành phố Đà Lạt cho biết: “Do tình trạng kẹt xe ở các nút giao thông chính như đèo Prenn, vòng xoay Kim Cúc, Phan Chu Trinh, Hoàng Văn Thụ, Hải Thượng,… nên những năm gần đây, Đội luôn phải tập trung 100% quân số để điều tiết giao thông. Vào những ngày cuối tuần, lễ, tết do không đủ quân số, Đội phải đề xuất lãnh đạo Công an thành phố huy động thêm lực lượng công an phường để làm công tác trật tự và đặc biệt là hỗ trợ lực lượng giao thông điều tiết giao thông vào giờ cao điểm. Có giai đoạn, Đội phải tham mưu lãnh đạo Công an thành phố, đề xuất Công an tỉnh tăng cường thêm lực lượng CSGT Công an tỉnh để hỗ trợ lực lượng CSGT thành phố giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông ở các giao lộ khu vực trung tâm”. 

 

Theo Trung tá Hùng, việc bố trí lực lượng CSGT tại các nút giao thông chính trên địa bàn thành phố mỗi ca phải cần từ 3 đến 5 cán bộ, chiến sĩ. Tuy nhiên, hiệu quả của việc điều tiết bằng con người này thời gian qua gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng CSGT vì lãng phí về nhân lực. Với áp lực luôn phải đảm bảo quân số cho việc điều tiết giao thông ở các nút giao thông khiến cho nhiều hoạt động tuần tra, xử lý an toàn giao thông trật tự ở các địa bàn khác bị thiếu lực lượng và bị hạn chế về hiệu quả. 

 

Anh Trần Sơn Anh - du khách đến từ Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh cho biết, gần đây cảm thấy ngại lên Đà Lạt vào mỗi dịp lễ hay ngày cuối tuần vì đường phố đông đúc và hay bị kẹt xe. Anh kể, đã có lần chở gia đình đi du lịch Đà Lạt và không may gây ra tai nạn cho một người dân địa phương đi bị mắc kẹt ở khu vực vòng xuyến Hoàng Văn Thụ. May mà chỉ sây sát nhẹ nên chuyến du lịch của gia đình anh vẫn diễn ra theo kế hoạch. “Tôi thấy giao thông Đà Lạt chủ yếu là bị ùn ứ ở các giao lộ, trong khi người dân có thói quen lưu thông theo hệ thống vòng xoay là chính chứ không sử dụng đèn xanh đèn đỏ. Còn chúng tôi ở TP Hồ Chí Minh thì quen với việc qua các giao lộ theo tín hiệu đèn xanh đèn đỏ, nên việc di chuyển khi vào ra các giao lộ theo vòng xuyến nhỏ ở Đà Lạt vào thời điểm ùn ứ giao thông diễn ra khá lộn xộn, khiến chúng tôi lúng túng khó xử lý. Theo quan sát của tôi thì hình như người Đà Lạt có cách di chuyển riêng, nhưng nếu mật độ giao thông quá cao như hiện nay mà chỉ dựa vào việc nhường nhau, len lỏi vào chỗ trống thì rất dễ xảy ra xung đột giao thông và không thể tránh được ùn tắc” - anh Trần Sơn Anh chia sẻ.

 

Cảnh sát giao thông giữa vòng vây xe cộ ở một giao lộ trung tâm thành phố Đà Lạt
Cảnh sát giao thông giữa vòng vây xe cộ ở một giao lộ trung tâm thành phố Đà Lạt

Có nên lắp đèn xanh đèn đỏ?

 

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay phương tiện ô tô trên địa bàn tỉnh đã lên tới hơn 70 ngàn xe; xe mô tô xấp xỉ 1,1 triệu trên dân số hơn 1,4 triệu người. Phương tiện của khách du lịch, khách đến công tác ra vào mỗi ngày chưa thể thống kê con số chính xác nhưng cũng là con số khá lớn bởi theo báo cáo của ngành du lịch, mỗi năm, TP Đà Lạt đón hàng triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Như vậy, đầu phương tiện trên số lượng dân ngày càng đông gây áp lực lên hạ tầng giao thông là rất lớn, do đó xuất hiện sự tắc nghẽn giao thông vào giờ cao điểm, lễ, tết và đã xảy ra khá thường xuyên trong suốt thời gian vừa qua chưa có giải pháp tối ưu nhất. 

 

Ông Trần Xuân Thủy (65 tuổi), một người dân Đà Lạt bày tỏ quan điểm rằng, ở thời điểm cách đây khoảng 20 năm chúng ta theo cơ chế không đèn xanh đèn đỏ là hợp lý. Nhưng khoảng từ năm 2015 đến nay, lượng phương tiện cá nhân cũng như lượng phương tiện để kinh doanh tăng quá nhanh, thì việc cứ giữ khư khư danh hiệu “thành phố không đèn xanh đèn đỏ” để quảng bá du lịch, trong khi tình trạng kẹt xe, ùn ứ ở các giao lộ ngày càng tăng là rất phản khoa học và không đáng. Vẫn biết là giải quyết tình trạng kẹt xe ở Đà Lạt với đặc thù địa hình và đường sá riêng thì cần nhiều giải pháp song hành, tuy nhiên trước mắt, để giảm tình trạng ùn ứ ở các ngã ba, ngã tư, theo tôi cần phải lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông để người đi bộ, các phương tiện giao thông 2 bánh, ô tô các loại lưu thông đúng luật giao thông, giảm tình trạng ùn ứ giao thông.

 

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, bên cạnh phần lớn người dân, cán bộ, công chức cho rằng cần phải sớm lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông thì vẫn có một bộ phận người dân cho biết, họ không tin rằng việc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông sẽ giải quyết được vấn nạn kẹt xe tại trung tâm thành phố Đà Lạt. “Việc giải quyết vấn nạn kẹt xe cần nhiều giải pháp chứ tôi không cho rằng chỉ lắp đặt hệ thống đèn giao thông mà có thể giải quyết được và cần sự phân tích thật sự khoa học. Trước mắt, tôi nghĩ chỉ nên thực hiện thí điểm ở một số điểm phù hợp. Một khi giải pháp này ghi nhận hiệu quả thì tôi hoàn toàn ủng hộ” - nhà báo Vũ Đình Đông, Báo Quân đội Nhân dân bày tỏ quan điểm.

 

Đèn xanh đèn đỏ có giải quyết được tắc nghẽn giao thông hay không?

 

Trả lời câu hỏi liệu lắp đặt hệ thống tín hiệu đèn giao thông ở các ngã ba, ngã tư thì có giải quyết được việc kẹt xe hay không, ông Trương Hữu Hiệp - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng khẳng định: “Chắc chắn là chúng ta cần rất nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay, như tiếp tục đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông, xây dựng các bãi dừng đỗ xe loại lớn ở phía ngoài trung tâm thành phố và trung chuyển khách vào thành phố. Tại các nút giao thông hiện nay, chúng tôi cũng đang thực hiện các biện pháp cải tạo, trong đó có nội dung lắp đặt các hệ thống tín hiệu giao thông đang được Nhân dân quan tâm. Nếu lắp đặt hệ thống tín hiệu này thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó giảm bớt sự vất vả của các cơ quan chức năng trong việc điều khiển phương tiện; tạo ý thức cho người dân trong việc tham gia giao thông. Và việc xây dựng lắp đặt hệ thống tín hiệu này cũng phù hợp với việc xây dựng thành phố thông minh. Thành phố thông minh có giao thông thông minh, nếu đưa việc điều khiển giao thông thông minh này vào cũng là một giải pháp rất căn cơ, giúp ổn định và hoàn thiện hệ thống giao thông trong nội đô”.

 

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông cục bộ ở địa bàn thành phố Đà Lạt, Thượng tá Cù Tuấn Nghĩa - Phó Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh phân tích: “Tại các ngã ba, ngã tư; ùn tắc giao thông là do xung đột tại trung tâm nút giao thông. Nếu như lắp đèn xanh đèn đỏ thì người và phương tiện tham gia giao thông sẽ chấp nhận tín hiệu của đèn và dừng xe phía trước vạch dừng của đèn xanh đèn đỏ, do đó sẽ giảm được áp lực của trung tâm nút giao thông. Việc giảm được xung đột tại trung tâm nút giao thông thì sẽ giảm được ùn tắc giao thông”.

 

Thời gian vừa qua, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt có những diễn biến ngày càng phức tạp. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương tổ chức triển khai thi tuyển đề án chống ùn tắc giao thông. Sau khi thi tuyển, tỉnh sẽ có Đề án chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 để triển khai từng bước chống ùn tắc giao thông, trong đó có hạng mục đầu tư đường vành đai thành phố Đà Lạt. Dự án sẽ được tỉnh bố trí vốn ngân sách cho việc triển khai, ngoài ra có một số đoạn khác dùng quỹ đất để tiếp tục đầu tư với hình thức đổi đất sao cho trong vài năm tới sẽ hoàn thành tuyến vành đai Đà Lạt, bố trí các khu dân cư đông đúc ở trung tâm ra ngoài và phân luồng giao thông một cách hợp lý, nhằm chống được tắc nghẽn giao thông cục bộ tại vị trí trung tâm trên địa bàn thành phố Đà Lạt. 

 

Ông Trương Hữu Hiệp - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng: “Chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh lắp đặt thí điểm ở một số vị trí trước”

 

Đà Lạt cho đến nay có đặc thù là thành phố không có hệ thống đèn xanh đèn đỏ. Nhưng theo tôi, về quản lý giao thông nội đô thì đèn tín hiệu giao thông là một hình thức rất tiên tiến của xã hội. Nó là vấn đề kỹ thuật để chúng ta có thể dừng và cho di chuyển phương tiện một cách hợp lý trong nội đô. Giải quyết ùn tắc giao thông cần nhiều giải pháp, trong đó có việc lắp đặt tín hiệu đèn xanh đèn đỏ ở các giao lộ có lưu lượng phương tiện giao thông đông đúc, để tránh ùn ứ do việc di chuyển lộn xộn, không khoa học của người điều khiển giao thông. 

 

Chúng tôi cũng được đi tham quan và tìm hiểu một số quốc gia phát triển, có một số quốc gia có địa hình giống Đà Lạt như Hàn Quốc chẳng hạn. Họ cũng lắp đặt tín hiệu giao thông. Với địa hình có độ dốc theo quy chuẩn cho phép thì không ảnh hưởng gì nhiều đến việc lắp đặt hệ thống tín hiệu đèn giao thông. Tuy nhiên, đối với Đà Lạt, chúng tôi cũng phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh một số vị trí thuận lợi để lắp đặt thí điểm trước, từ đó tiếp tục nghiên cứu mở rộng dần. Với những bước đi hợp lý, tôi nghĩ việc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông sẽ phát huy tác dụng và người dân sẽ ủng hộ phương án này.

 

Ông Trần Văn Việt - Chủ tịch Hội Quy hoạch TP Đà Lạt: “Đèn xanh đèn đỏ không làm mất đi văn hóa của người Đà Lạt”

Đà Lạt hiện nay ùn tắc là do nhiều nguyên nhân: do đường hẹp, do quy hoạch hạ tầng giao thông chưa phát triển kịp với dân số, đô thị. Hiện nay, chính quyền cũng đã cho tổ chức thi tuyển đề án chống ùn tắc giao thông. Đây chính là điều cơ bản để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông. Giải pháp chống ùn tắc giao thông thì cần nhiều yếu tố. Thôi thì chúng ta chờ kết quả của cuộc thi để hy vọng có cách thức tốt nhất giải quyết căn cơ vấn đề này. Tuy nhiên, trước mắt, để giải quyết tình trạng kẹt xe ở trung tâm thành phố hiện nay, theo tôi là nên tính đến việc lắp đặt hệ thống đèn xanh, đèn đỏ. 

 

Đồng ý là xưa nay người Đà Lạt đi trên đường có thói quen từ tốn nhường nhau. Nhưng với mật độ phương tiện giao thông lớn như hiện nay thì nhường nhau là một chuyện, nhưng vẫn phải đặt luật pháp lên hàng đầu. Đèn xanh đèn đỏ không làm mất đi văn hóa của người Đà Lạt, mà nó là sản phẩm của văn minh, tạo nên văn hoá giao thông. Nếu Đà Lạt không sống vì du lịch thì lại là chuyện khác, nhưng vì tỉnh đang xác định mục tiêu phát triển du lịch đạt từ 8 triệu đến 12 triệu lượt khách mỗi năm, nên phải tính toán bài toán khoa học hơn. Thực tế thời gian qua cho thấy việc kẹt xe ngày càng nghiêm trọng. Nếu chúng ta không giải quyết sớm thì chỉ hai năm nữa thôi, người lưu thông ở Đà Lạt sẽ không nhúc nhích được nữa. 

 

Tuy nhiên, quá trình thiết kế lắp đặt hệ thống tín hiệu giao thông cần phải nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật sao cho khoa học nhất, phù hợp nhất như việc xác định tim đường, vị trí đặt hệ thống cột đèn sao cho phù hợp và cũng phải thật thân thiện với môi trường của một thành phố du lịch như Đà Lạt.

 

Thượng tá Cù Tuấn Nghĩa - Phó Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh: “Lắp đèn xanh đèn đỏ sẽ giảm được xung đột tại trung tâm nút giao thông”

 

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc triển khai lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông ở một số điểm. Đèn giao thông là một thiết bị được dùng để điều khiển giao thông ở những giao lộ có lượng phương tiện lưu thông lớn. Đây là một thiết bị quan trọng không những an toàn cho các phương tiện mà còn giúp giảm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Nó được lắp ở tâm giao lộ hoặc trên vỉa hè. Đèn tín hiệu giao thông có thể hoạt động tự động hay do cảnh sát giao thông điều khiển. Đèn xanh đèn đỏ có thể nói là sản phẩm văn minh của nhân loại. Giao thông thông minh thì phải có đèn xanh đèn đỏ. Tuy nhiên, trước hết, chúng ta phải hiểu lý do vì sao cần lắp đèn xanh đèn đỏ ở Đà Lạt. Bởi vì, tại các ngã ba, ngã tư hiện nay của thành phố, việc ùn tắc giao thông là do xung đột tại trung tâm nút giao thông. Khi lắp đèn xanh đèn đỏ thì người và phương tiện tham gia giao thông sẽ chấp nhận tín hiệu của đèn và dừng trước vạch dừng của đèn xanh đèn đỏ. Việc dừng đỗ để nhường cho các hướng ưu tiên di chuyển trước sẽ giúp giảm được áp lực của trung tâm nút giao thông. Và, dĩ nhiên, khi giảm được xung đột tại trung tâm nút giao thông đó thì sẽ giảm được ùn tắc giao thông. Hệ thống đèn giao thông ở trong khu vực gần còn giúp chia sẻ thông tin về luồng giao thông, do vậy mà tạo hiệu quả cân bằng trong việc điều chỉnh lưu lượng giao thông tốt hơn.

 

Còn về địa hình của thành phố Đà Lạt, thì theo tôi không ảnh hưởng lắm đối với các phương tiện tham giao thông trong thời buổi hiện đại này. Trong khi đó, hiện nay biên chế của lực lượng CSGT không thể đảm bảo được phải túc trực một ê kíp 2 đến 4, thậm chí 5 CSGT ở tất cả các nút giao thông. Xét về kinh tế, việc lắp đặt hệ thống đèn xanh đèn đỏ cũng có lợi hơn rất nhiều. Giảm được chi phí và tiết kiệm được cả về nhân lực, lại giúp người dân ý thức và giao thông khoa học hơn thế thì tại sao lại không ứng dụng.

 

Ông Hồ Phụng Hoàng - Giám đốc Taxi Mai Linh, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Lâm Đồng: “Đèn tín hiệu giao thông là cần thiết để người tham gia giao thông lưu thông đúng luật” 

 

Theo tôi, nếu tính đến sự thay đổi thì các cơ quan chức năng cần cân nhắc xem người dân được hưởng lợi gì trong sự thay đổi này và liệu nếu thay đổi thì có tác động gì xấu đến người dân Đà Lạt hay không. Còn riêng đối với vai trò là người tổ chức kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, chúng tôi cũng đã nghiên cứu và cũng có nhiều kiến nghị gửi tới ngành giao thông, cơ quan chức năng trong thời gian qua. Với tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng thường xuyên hơn thì việc lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông tôi nghĩ là cần thiết, để người tham gia giao thông tuân thủ đúng luật giao thông, góp phần cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. 

 

Việc lắp đặt đèn xanh đèn đỏ chắc chắn sẽ có tác động tích cực hơn để giải quyết tình trạng hiện nay, vì lúc đó người tham gia giao thông trên đường chỉ có một cách nghĩ, một cách để làm theo là tuân thủ luật của tín hiệu giao thông. Đây cũng là một điều rất văn minh và phù hợp với lộ trình xây dựng thành phố thông minh, giao thông thông minh ở Đà Lạt. Việc lắp đặt hệ thống đèn giao thông cũng sẽ giảm tải áp lực cho lực lượng CSGT, chứ hiện nay vào giờ cao điểm tôi thấy lực lượng này quá cực. 

 

Ông Nguyễn Hữu Tranh, người được mệnh danh là “nhà Đà Lạt học”: “Đà Lạt giờ đã khác xưa như hai thế giới, không thể ôm giữ quá khứ nữa”

 

Tiện ích trong quản lý đô thị hiện đại là thành tựu chung của thế giới. Ứng dụng các tiện ích này phù hợp chính là cách để bảo tồn giá trị của đô thị nói chung và đô thị di sản Đà Lạt nói riêng. Sự bức bối và ách tắc trong bất kỳ đô thị nào nếu không có cách tháo gỡ thì sẽ tạo nên một sự gãy đổ đáng tiếc.

 

Cụ thể về việc có nên làm đèn xanh - đèn đỏ để giải phóng tạm thời ùn tắc ở các nút giao thông hay không, theo tôi nếu cần thiết và giải quyết được thì nên thực hiện vì bây giờ giao thông ở Đà Lạt đã khác xưa như hai thế giới, không thể cứ ôm giữ quá khứ nữa.

 

Ông Trương Ngọc Thụy - nhiếp ảnh gia người Đà Lạt: “Người ta yêu Đà Lạt không phải vì danh hiệu thành phố không đèn xanh đèn đỏ đâu!”

Đà Lạt cách đây khoảng 20 năm theo cơ chế không đèn xanh đèn đỏ là hợp lý. Nhưng khoảng từ năm 2015 đến nay, thì lượng phương tiện cá nhân cũng như lượng phương tiện để kinh doanh, khách du lịch tăng quá nhanh. Một số người làm du lịch người ta lấy thương hiệu thành phố không đèn xanh đèn đỏ để làm thương hiệu du lịch. Và chính vì thương hiệu đó mà Đà Lạt không lắp đèn xanh đèn đỏ suốt trong thời gian dài cho đến tận hôm nay. Và rõ ràng như chúng ta đã thấy, với lưu lượng xe ngày càng lớn đã gây ra sự ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở trung tâm phố Đà Lạt. Việc ùn tắc giao thông thời gian qua gây cản trở sinh hoạt của người dân và gây ra sự khó chịu không ít cho du khách. 

 

Theo tôi biết, có những thành phố lưu lượng xe rất ít, thậm chí nhỏ hơn Đà Lạt rất nhiều nhưng người ta vẫn lắp đèn xanh đèn đỏ bởi nó mang đến sự tiện lợi và văn minh trong giao thông. Danh hiệu không đèn xanh đèn đỏ theo tôi không có gì là đặc trưng đáng tự hào mà cứ giữ mãi. Theo tôi, thời điểm này, với mật độ xe cộ như vậy, dân số như vậy, lượng khách du lịch như vậy, Đà Lạt nên lắp tín hiệu đèn xanh đèn đỏ ở những nút giao thông để điều tiết giao thông. Và cũng theo tìm hiểu của tôi, không phải du khách người ta yêu Đà Lạt vì danh hiệu thành phố không đèn xanh đèn đỏ đâu, mà người ta yêu Đà Lạt vì thiên nhiên, vì văn hóa, con người và cảnh quan. Mình cứ khư khư giữ lấy danh hiệu thành phố không đèn xanh đèn đỏ thì mai mốt Đà Lạt có khi lại có thêm một danh hiệu mới là thành phố kẹt xe.

 

Báo Lâm Đồng (NGUYỄN NGHĨA)

Lượt xem: 2.406
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000873721
  •  Đang online: 62
  •  Trong tuần: 4.492
  •  Trong tháng: 28.191
  •  Trong năm: 370.932