Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa đã và đang là định hướng lớn cho việc xây dựng và phát triển nền văn hóa nước ta. Ngày 16/7/1998, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
|
Khen thưởng phong trào năm 2019 |
15 năm sau, ngày 14/5/2014, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó tiếp tục khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước.
Kế thừa và phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, với quan điểm văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội; tiếp thu tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Lạt ban hành Kế hoạch số 211-KH/ThU, ngày 4/8/2014 triển khai thực hiện nghị quyết. Trên cơ sở Chương trình hành động số 89-CTr/TU, ngày 22/10/2014 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Lạt ban hành Chương trình hành động số 02-CTr/ThU, ngày 12/8/2015 để triển khai thực hiện; UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 2042/KH-UBND ngày 20/4/2015 về tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Thành ủy về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Trong đó, đặt mục tiêu là giữ gìn và phát huy bền vững bản sắc văn hóa; xây dựng con người Đà Lạt phát triển toàn diện với các đặc trưng hiền hòa - thanh lịch - mến khách. Đặc biệt là phát triển văn hóa, con người Đà Lạt trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển thành phố Đà Lạt ngày càng văn minh, thân thiện.
|
Chạy vì sức khỏe cộng đồng năm 2019 |
Kết quả khởi sắc từ những con số...
Bắt đầu được triển khai thực hiện từ năm 2000, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) đã bao quát nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Phong trào bao gồm 5 nội dung là đoàn kết giúp nhau “xóa đói, giảm nghèo”; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường sạch - đẹp - an toàn; xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh. Song song với đó là 7 phong trào, gồm xây dựng gia đình văn hóa; làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; học tập, lao động sáng tạo; xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến.
Trải qua 20 năm, phong trào TDĐKXDĐSVH ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng và đi vào chiều sâu. Theo đó, tư tưởng, đạo đức và lối sống văn hóa lành mạnh từng bước được khơi dậy; truyền thống tốt đẹp của dân tộc như “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và ý chí tự lực, tự cường... ngày càng được phát huy; nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao hướng về cơ sở được tổ chức, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Đồng thời, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cũng ngày càng phát huy hiệu quả, để trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa của người dân.
Đặc biệt, quá trình triển khai phong trào, nhiều giá trị văn hóa mới, tiên tiến được chọn lọc, tiếp thu và bồi đắp, trên cơ sở gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Đà Lạt, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Cũng từ phong trào này, hàng nghìn gương điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực, đã được nhân rộng, tạo được sức ảnh hưởng tích cực và sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ... Từ đó, tạo động lực để khơi dậy, phát huy tài năng, trí tuệ của các cá nhân, tập thể trong học tập, lao động sản xuất ở các cơ quan, đơn vị, thôn, tổ. Đồng thời, tạo ra nền tảng tinh thần cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội...
Trong rất nhiều nội dung của phong trào TDĐKXDĐSVH, thì phong trào xây dựng gia đình văn hóa và thôn, tổ dân phố văn hóa là những nội dung trọng tâm nhất. Theo số liệu thống kê của Phòng VHTT - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH thành phố Đà Lạt, năm 2000: có 14.502/20.101 hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 72,14%; đến năm 2015: có 38.071/39.831 hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 95,4%; năm 2019: có 39.636/40.588 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 97,65%; năm 2020: có 40.612/41.788 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 97,18%.
Với vai trò hạt nhân của mình, việc thực hiệu hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hóa, cũng chính là cơ sở để triển khai các phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Năm 2001, thành phố có 4/108 tổ dân phố, thôn được đặc cách công nhận thôn, tổ dân phố văn hóa cấp tỉnh, đạt tỷ lệ 2,35%; năm 2002 có 16/108 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu tổ dân phố, thôn văn hóa, đạt tỷ lệ 14,95%; đến năm 2009 đã có 88/108 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu tổ dân phố, thôn văn hóa, đạt tỷ lệ 81,5% (trong đó có 42 tổ dân phố, thôn được công nhận, giữ vững danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa liên tục 5 năm liền trở lên); năm 2019 có 244/249 thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa, đạt tỉ lệ 97,9%; năm 2020 có 199/204 thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa, đạt tỉ lệ 97,5%.
Cùng với đó, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường đạt chuẩn văn minh đô thị, cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2010, Phường 2 và Phường 9 là hai đơn vị đầu tiên được UBND thành phố công nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn văn hóa”. Đến cuối năm 2016, 16/16 xã, phường đã được UBND thành phố công nhận danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”. Song song với phong trào xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, việc triển khai xây dựng mô hình nông thôn mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng được tiến hành tại 4 xã trên địa bàn thành phố. Qua 10 năm triển khai thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới (từ năm 2010 đến nay), bộ mặt nông thôn ở 4 xã đã có sự thay đổi rõ rệt: Hệ thống giao thông, điện, trường học, trạm y tế... được đầu tư toàn diện, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất phát triển phù hợp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, hệ thống chính trị cơ sở được tăng cường, an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Đến nay 4/4 xã đã thực hiện đầy đủ, hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, thành phố hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và đang tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Năm 2002, thực hiện Hướng dẫn số 51/HD-UB ngày 8/1/2002 của UBND thành phố Đà Lạt về phát động thi đua xây dựng công sở văn minh - sạch đẹp - an toàn, đến nay, đã có 226/236 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” trong năm, đề xuất BCĐ tỉnh xem xét công nhận lại danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” giai đoạn 2016 - 2020.
Thực hiện phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”: Mỗi người tự chọn cho mình 1 môn thể thao, mỗi gia đình phấn đấu đạt gia đình thể thao; đến nay thành phố có 9 nhà thi đấu đa năng, các loại hình thể dục, thể thao quần chúng ở cơ sở từng bước được thành lập và hoạt động có hiệu quả ở các bộ môn như: 30 câu lạc bộ (CLB) võ thuật; 22 CLB bóng bàn; 11 CLB thể dục, thể hình; 14 CLB thể dục thẩm mỹ; 21 CLB quần vợt; 20 CLB thể dục dưỡng sinh; 1 CLB mini golf; đặc biệt là CLB Hồ bơi Phù Đổng do tư nhân đầu tư xây dựng với diện tích gần 2 ha. Đến thời điểm hiện tại thành phố Đà Lạt có 7 hồ bơi nước nóng phục vụ nhu cầu tập luyện và nâng cao sức khỏe của Nhân dân; CLB bóng bàn Đà Lạt đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng và 18 CLB bóng đá mini với 41 sân cỏ nhân tạo, kinh phí trên 300 triệu đồng/sân đã thu hút đông đảo Nhân dân trên địa bàn thành phố tham gia tập luyện. Đặc biệt, Công ty TNHH May Thêu Lan Anh và Công ty Cổ phần Khoáng sản Vật liệu Xây dựng Lâm Đồng đã tài trợ 6 bộ dụng cụ tập luyện thể dục thể thao lắp đặt tại các công viên trên địa bàn thành phố, nhằm phục vụ nhu cầu tập luyện nâng cao sức khỏe cho người dân.
Ngoài ra, phong trào xây dựng người tốt, việc tốt và các điển hình tiên tiến cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của phong trào TDĐKXDĐSVH. Trong phong trào thi đua yêu nước, từ năm 2000 đến nay, UBND thành phố đã tặng 11.698 lượt giấy khen, công nhận trên 1.120 tập thể lao động tiên tiến, 6.712 chiến sỹ thi đua cơ sở, 29.863 lao động tiên tiến. Ngoài ra, còn nhiều tập thể và cá nhân đã được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý. Tiêu biểu như: 38 tập thể, cá nhân được truy tặng Huân chương Lao động các hạng; 2.100 tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh tặng Cờ thi đua và bằng khen…
|
Phát triển văn hóa, con người Đà Lạt trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển thành phố Đà Lạt ngày càng văn minh, thân thiện. Ảnh: Thụy Trang |
... Đến những băn khoăn
Từ thực tiễn và kết quả triển khai 20 năm qua, cho thấy phong trào TDĐKXDDSVH có sức lan tỏa sâu rộng, mang giá trị văn hóa sâu sắc, cần tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện phong trào vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa nhận thức, quán triệt đầy đủ, toàn diện mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của văn hóa nói chung và phong trào TDĐKXDĐSVH nói riêng, nên thiếu quan tâm chỉ đạo, sâu sát; Ban Chỉ đạo Phong trào chưa làm tốt vai trò tham mưu; công tác tuyên truyền, vận động tuy được triển khai nhưng chưa thực sự sâu rộng để tập hợp lực lượng quần chúng tham gia; cơ chế, chính sách xã hội hóa chưa đủ mạnh để động viên, khuyến khích Nhân dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa hiểu hết ý nghĩa, trách nhiệm trong thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; phong trào tuy đã phát triển bề rộng nhưng chưa đi đôi với chiều sâu; ý thức chấp hành pháp luật nói chung của một bộ phận Nhân dân còn hạn chế, đặc biệt là chấp hành các quy định về an toàn giao thông, trật tự đô thị, thực hiện Pháp lệnh dân số; các tệ nạn xã hội như: ma túy, rượu chè, cờ bạc... đã và đang xâm nhập vào không ít gia đình, khu dân cư. Tình trạng vi phạm an ninh trật tự, an toàn xã hội có chiều hướng ngày càng gia tăng và phức tạp. Công tác bảo vệ môi trường ở một số thôn, tổ dân phố còn nhiều hạn chế. Các thiết chế văn hóa, thể thao còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân...
Giải pháp đồng bộ…
Quá trình triển khai xây dựng phong trào TDĐKXDĐSVH trong những năm qua cho thấy để phong trào tiếp tục phát triển đồng đều, rộng khắp trên địa bàn thành phố cả về số lượng và chất lượng cần có những giải pháp. Đó là tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, cán bộ, nhân viên, người lao động, nhằm củng cố, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, nội dung và tác dụng to lớn, thiết thực của phong trào. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đưa các nhiệm vụ, chỉ tiêu xây dựng đời sống văn hóa vào nghị quyết của các cấp ủy, vào chương trình, kế hoạch của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể để phối hợp triển khai, đồng thời vận động cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân tích cực, tự giác tham gia đạt hiệu quả. Kiện toàn, nâng cao trách nhiệm của Ban Chỉ đạo, Ban Vận động các cấp trong việc hướng dẫn, đầu tư, tạo điều kiện hỗ trợ cơ sở, Ban Vận động tổ chức triển khai thực hiện phong trào. Tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc, bình xét, công nhận gia đình văn hóa, tổ thôn văn hóa, cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa hàng năm. Từng bước tăng mức đầu tư ngân sách cho hoạt động của Ban Chỉ đạo và phong trào ở các cấp tương xứng với sự phát triển về kinh tế, xã hội ở phường, xã, thành phố. Tiếp tục nghiên cứu bố trí quỹ đất, quỹ nhà phù hợp ở khu dân cư để cán bộ, Nhân dân có nơi sinh hoạt, tổ chức các hoạt động văn hóa ở cơ sở. Chú trọng công tác xây dựng, chỉ đạo điểm, sơ tổng kết, phổ biến và nhân rộng các điển hình tiên tiến từ thực tiễn hoạt động phong trào.
Thành quả 20 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH và tác động của nó đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và văn hóa - tinh thần, là không thể phủ nhận. Đồng thời với việc phát huy các thành tựu, thiết nghĩ, cũng cần quan tâm thỏa đáng đến những mặt còn hạn chế. Có như vậy, phong trào mới có khả năng thanh lọc để giữ lại những giá trị chân chính và loại bỏ đi những biểu hiện xấu, thậm chí là phản văn hóa.
LÊ THỊ HỒNG PHÚC
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Đà Lạt