Trải qua hơn 125 năm hình thành và phát triển, thành phố Đà Lạt đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị. Đến nay, Đà Lạt là một thành phố du lịch nổi tiếng, đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Hiện tại, Đà Lạt đang sở hữu một di sản đồ sộ của thiên nhiên về cảnh quan, môi trường, khí hậu và hệ sinh thái đa dạng, phong phú; một hệ thống các công trình kiến trúc độc đáo có giá trị lịch sử, văn hóa; một nền văn hóa đa dạng, đặc sắc với sự hòa quyện văn hóa dân tộc Tây Nguyên với văn hóa các vùng miền trong cả nước.
Triển khai đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg giữa năm 2014 được chính quyền các cấp tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt nỗ lực triển khai trong thời gian qua. Đồ án này cũng làm nền để triển khai xây dựng đô thị Đà Lạt thành đô thị thông minh.
Thực tế hiện nay cho thấy, các đô thị ở Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Sự phát triển đô thị gắn với thông minh để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của con người, việc xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) đã ngày càng trở nên bức thiết đối với Việt Nam. Trong bối cảnh đó, ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030.
Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, ngày 5/7/2018 UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” giai đoạn 2018-2025. Theo đó, lộ trình tổng thể chia thành hai giai đoạn chính: giai đoạn 2018-2025: thiết lập nền tảng công nghệ dùng chung cho thành phố thông minh và triển khai các lĩnh vực ưu tiên (chính quyền số, quy hoạch đô thị…); giai đoạn 2021-2025: triển khai đồng bộ các giải pháp trên nền tảng dùng chung, mở rộng, cải tiến theo hướng ngày càng thông minh hơn.
Qua hơn hai năm triển khai thực hiện các hạng mục theo lộ trình, bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho việc triển khai các lộ trình tiếp theo. Điển hình một số hạng mục như:
Lĩnh vực xây dựng hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu triển khai chính quyền điện tử tỉnh Lâm Đồng
Năm 2019 Tập đoàn VNPT đã đầu tư mở rộng 90 trạm phát sóng 3G; 97 trạm 4G tăng 21% số trạm so với năm 2018, nâng tổng số trạm 3G, 4G lên 552 trạm; đảm bảo trên 90% diện tích tự nhiên tại Lâm Đồng có vùng phủ sóng; đầu tư trên 700 km cáp quang các loại và 44 thiết bị OLT sử dụng công nghệ GPON với tổng mức đầu tư 73,785 tỷ đồng.
Tập đoàn VNPT nhận thầu thi công dự án nâng cấp Cổng thông tin điện tử tỉnh Lâm Đồng; triển khai giải pháp Hệ thống phần cứng, phần mềm quản lý giám sát thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh; các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh thuê sử dụng đường truyền kết nối internet của Viễn thông Lâm Đồng (tổng kinh phí trên 500 triệu đồng/năm); triển khai duy trì Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến (đường truyền và giải pháp phần mềm Vmeetting) do Viễn thông Lâm Đồng thực hiện với kinh phí khoảng 800 triệu đồng/năm; triển khai duy trì, vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh (hơn 4,5 tỷ đồng/năm); ngoài ra VNPT đã hỗ trợ hạ tầng thông tin và máy móc thiết bị, phục vụ các kỳ Festival hoa, giải pháp kỹ thuật Hệ thống thông tin họp không giấy tờ VNPT e-Cabinet; tham gia hỗ trợ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá thành phố thông minh (KPI);…
Lĩnh vực xây dựng Chính quyền điện tử
Hệ thống các ứng dụng CNTT xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh đã được triển khai tại các cơ quan nhà nước, cụ thể như: Triển khai ứng dụng cung cấp dịch vụ hành chính công trên nền tảng thiết bị di động, hệ thống phần mềm “Đà Lạt trực tuyến - iGov Connect”, kết nối người dân và chính quyền, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa thông qua môi trường mạng như: nộp hồ sơ, bốc số thứ tự, theo dõi quầy bốc số, tra cứu nhanh trạng thái hồ sơ, đánh giá thái độ phục vụ của nhân viên, phản ánh kiến nghị của người dân đến các cơ quan chức năng của UBND thành phố Đà Lạt (hoạt động chính thức từ ngày 01/6/2019 đến nay đã có trên 6.000 lượt bốc số qua ứng dụng, chiếm tỷ lệ 11,09%). Qua thời gian triển khai thử nghiệm, ứng dụng đã mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích cho công dân, tổ chức, được sự hưởng ứng, đánh giá cao từ các tầng lớp nhân dân, tổ chức trên địa bàn, đặc biệt là các tính năng đăng ký số trực tuyến, thông báo số thứ tự giúp công dân, tổ chức chủ động lấy số, liên hệ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của thành phố; tra cứu thông tin quy hoạch sử dụng đất; đồng thời có thể phản ánh trực tiếp đến cơ quan chức năng bằng hình ảnh hiện trường về các vấn đề như: an ninh trật tự, xây dựng trái phép, lấn chiếm lòng đường, vệ sinh môi trường, giá cả thị trường,… Ngoài ra hệ thống đã tích hợp các hệ sinh thái ứng dụng mà thành phố đã triển khai như: Cổng thông tin quy hoạch đô thị, sổ liên lạc điện tử, ứng dụng du lịch thông minh, bản đồ các cơ quan hành chính, thông tin việc làm…
Tháng 12/2018 tại Lễ công bố Đề án “Xây dựng Thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” giai đoạn 2018-2025 đã ra mắt các sản phẩm: Du lịch thông minh (App: Đà Lạt Flower City); Quy hoạch đất đai Gis tại TP. Đà Lạt; quảng bá và giới thiệu Đề án qua các phương tiện truyền thông của tỉnh và kênh VTV, các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương hoạt động trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, UBND TP. Đà Lạt tuyên truyền quảng bá đến người dân qua các hình thức: phướn treo, tờ rơi, standee tại trụ sở UBND phường, xã,… (80.000 tờ rơi, 50 phướn, 18 standee chuyển đến các phường, xã cấp phát đến các thôn, tổ dân phố).
Lĩnh vực Quy hoạch đô thị và Quản lý đất đai
Hoàn thiện và đưa vào vận hành dữ liệu của 12 phường và 4 xã trên Cổng thông tin công bố quy hoạch thành phố Đà Lạt tại địa chỉ http://quyhoach.dalat.vn, phần mềm trên thiết bị di động có tên: “Thông tin quy hoạch Đà Lạt”; xây dựng cơ sở dữ liệu không gian theo mô hình tập trung nhằm nâng cao công tác quản lý quy hoạch và công bố thông tin dữ liệu cho người dân trên các lĩnh vực: quy hoạch đất đai, quy hoạch kiến trúc xây dựng, dữ liệu giao thông, thông tin giá đất, xây dựng các khu chung cư mới, quy hoạch các khu đô thị, di dời nhà ở, tái kiến thiết các khu vực,… trên nền tảng GIS; đã số hóa dữ liệu 97.751 thửa đất tại 12 phường; số hóa dữ liệu quy hoạch 11 phân khu và quy hoạch chi tiết trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã được UBND tỉnh phê duyệt; số hóa dữ liệu giao thông 207 đường, 577 cung đường và 625 hẻm. Số lượt truy cập từ tháng 01/2019 đến nay là 125.833 lượt, trung bình mỗi ngày hơn 600 lượt. Số lượt tải ứng dụng 2.070 lượt (hệ điều hành Android: 627 và trên IOS là 1.443.
Lĩnh vực Nông nghiệp
Đang tiến hành xây dựng giải pháp về hệ thống chuỗi quản lý cho 4 nhóm đối tượng: Cơ quan quản lý nhà nước (Sở NNPTNT), tổ chức chứng nhận (Trung tâm kiểm định giống và vật tư nông nghiệp), cơ sở sản xuất và người tiêu dùng; cổng thông tin nông nghiệp liên kết 3 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý; các giải pháp IoT ứng dụng trong nông nghiệp; bảng dự báo cấp cháy rừng điện tử; hệ thống giám sát, dự báo lũ và điều hành hồ chứa.
Lĩnh vực Du lịch
Hoàn thiện và đưa vào sử dụng Cổng thông tin du lịch (http://dalat.vn) và phần mềm ứng dụng (Dalat City); du khách có thể thực hiện một chương trình du lịch hoàn toàn qua hệ thống internet, từ tìm hiểu, cập nhật thông tin về thành phố Đà Lạt, đặt vé, phòng khách sạn trực tuyến đến tra cứu các sự kiện văn hóa, điểm đến, ẩm thực, giao thông, thời tiết; tương tác mạng xã hội trên suốt lịch trình; nhận các thông tin sự kiện văn hóa, lễ hội, du lịch; đánh giá, góp ý về chất lượng dịch vụ, phục vụ khi đến tham quan nghỉ dưỡng tại Đà Lạt.
Đến nay, đã cập nhật được trên 1.176 khách sạn và cơ sở lưu trú, 772 nhà hàng và địa điểm ẩm thực, 103 địa điểm du lịch, 75 địa điểm mua sắm, 489 điểm giải trí và 523 địa điểm tiện ích công cộng trên TP. Đà Lạt (danh bạ công an, ATM, cây xăng, bệnh viện, nhà thuốc, nhà xe, bãi đỗ xe,…); ngoài việc sử dụng các tiện ích của ứng dụng, khách du lịch có thể liên hệ với các cơ quan chức năng qua số điện thoại đường dây nóng 19001067 để được hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh khi du lịch tại Đà Lạt. Đến nay, đã có 236.138 lượt truy cập (từ tháng 01/2019 đến nay có 204.018 lượt, trung bình mỗi ngày là 979 lượt). Tổng số lượt tải ứng dụng: 13.227 lượt.
Lĩnh vực giáo dục
Tiếp tục duy trì hoạt động ổn định các giải pháp đã triển khai như: Hệ thống quản lý trường học - VNPT School, sổ liên lạc điện tử, quản lý thi nghề phổ thông, quản lý văn bằng chứng chỉ, quản lý thi học sinh giỏi, quản lý thư viện, xét tốt nghiệp lớp 9 và tuyển sinh lớp 10,… Triển khai phần mềm quản lý trường học online gồm các phân hệ: Quản lý học sinh - giáo viên, quản lý kiểm tra, thi - xét tuyển - tốt nghiệp, quản lý liên lạc điện tử,… tại 47 trường học, quản lý 24.816 học sinh trên địa bàn thành phố Đà Lạt theo phương thức xã hội hóa.
Tiếp tục duy trì và cung cấp phần mềm tương tác, giao tiếp giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, cung cấp cho phụ huynh học sinh tình hình học tập, điểm số, phân tích dự báo xu hướng học tập của từng học sinh (Phần mềm Giáo dục Lâm Đồng, có thu phí dịch vụ tin nhắn, nhận thông tin từ phụ huynh).
Lĩnh vực y tế
Hệ thống khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế VNPT-HIS triển khai đến 124 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh (gồm: 2 cơ sở y tế tuyến 2, 25 cơ sở y tế tuyến 3 và 97 cơ sở y tế tuyến 4); tại thành phố Đà Lạt có 20 cơ sở y tế (gồm: 1 cơ sở y tế tuyến 2; 4 cơ sở y tế tuyến 3 và 15 cơ sở y tế tuyến 4). Toàn bộ dữ liệu tại các cơ sở y tế được đồng bộ trực tuyến lên Cổng giám định BHYT và Cổng thông tin của Bộ Y tế. Hệ thống khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế VNPT-HIS đã đáp ứng tốt các yêu cầu quản lý khám chữa bệnh và thanh, quyết toán BHYT.
Trong thời gian tới, UBND Tỉnh Lâm Đồng Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương thuộc tỉnh nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ hành chính công. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các giải pháp và triển khai mới các ứng dụng viễn thông, công nghệ thông tin phục vụ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là mô hình thuê dịch vụ công nghệ thông tin; nghiên cứu chính sách giá cước dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin ưu đãi, phù hợp cho từng ngành và đối tượng sử dụng.
Phát triển đô thị – thành phố thông minh đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, môi trường và xã hội. Thế giới và Việt Nam đã và đang đẩy mạnh tiến trình phát triển hướng tới các thành phố thông minh. Chất lượng cuộc sống của người dân trong thành phố thông minh sẽ được nâng cao nhờ vào những lợi ích khi một đô thị trở thành thành phố thông minh sẽ loại bỏ được khí thải nhà kính; có các giải pháp phòng chống tội phạm, dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp; có các giải pháp giao thông và vận chuyển thông minh giúp tiết kiệm thời gian; triển khai các giải pháp y tế thông minh giúp nâng cao tuổi thọ; tạo ra nhiều việc làm; có các giải pháp lựa chọn nhà ở và tiết kiệm năng lượng giúp tiết kiệm chi phí và có điều kiện thực hiện các chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.
Hình 1: Lãnh đạo Tỉnh và Tp Đà Lạt bẫm nút vận hành trung tâm điều hành thông minh.
Hình 2: Phòng điều hành Tp thông minh
Lê Thị Hồng Phúc – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Lạt