Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trong toàn thành phố Đà Lạt, tạo nên sự thống nhất giữa Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội và các tầng lớp Nhân dân, qua đó niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng vững chắc và gắn bó.
Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó được hun đúc, hình thành và phát triển bởi tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc ta trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, chiến thắng mọi thiên tai, địch họa, để xây dựng nên Tổ quốc Việt Nam ngày càng cường thịnh. Thực hiện đại đoàn kết dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng nước ta. Đảng ta khẳng định, mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải phản ánh được nguyện vọng, quyền lợi của đại đa số dân chúng để có thể tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng cho cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đảng chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình nếu biết tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận Dân tộc thống nhất rộng rãi chống kẻ thù chung và xây dựng đất nước”. Để hoàn thành một nhiệm vụ “khó khăn hơn nhiều” so với trước, tất yếu phải có sức mạnh lớn hơn trước, nghĩa là sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay khó khăn hơn trước bội phần và đòi hỏi phải phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước theo tinh thần Nghị quyết mà Đại hội XIII của Đảng đang đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta những nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang. Đảng ta chỉ rõ: “Trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy; có quyết tâm chính trị cao; dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình; chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống; nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được; đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững”.
Sau khi Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 (Khóa IX) về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Kết luận số 57-KL/TW ngày 03/11/2009 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và Nghị quyết số 18-NQ/TU, ngày 28/5/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng được ban hành. Ban Thường vụ Thành ủy Đà Lạt đã lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố, cấp ủy các phường xã, các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Thành ủy, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; đề ra các chỉ tiêu phấn đấu phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương và cơ sở. Ủy ban Nhân dân thành phố tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh; tích cực chỉ đạo việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác dân vận chính quyền các cấp, cải cách hành chính… tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, dân tộc. Đồng thời chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân, đội ngũ tri thức, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về công tác thanh niên có hiệu quả.
Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đã xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện Kết luận, Nghị quyết đồng thời coi công tác đoàn kết tập hợp đoàn viên, hội viên và Nhân dân trên địa bàn thành phố là nhiệm vụ quan trọng then chốt trong hoạt động hàng năm.
Trong những năm qua, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo thực hiện Nghị quyết chuyên đề trong từng giai đoạn nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển du lịch chất lượng cao; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và phát triển các làng hoa; tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng theo đúng chỉ đạo của cấp trên bằng việc xây dựng các Nghị quyết, chương trình hành động, các kế hoạch theo từng chuyên đề của các hội nghị Trung ương. Trong quá trình lãnh đạo, điều hành, để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, phát sinh trong thực tiễn, Thành ủy đã nghiên cứu và đã đề ra các Chỉ thị, Nghị quyết để lãnh đạo thực hiện như phát triển kinh tế - xã hội, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, quy hoạch sử dụng đất, công tác vận động quần chúng,…Từ năm 2015 cho đến nay Thành ủy đã ban hành 17 Nghị quyết trong đó có 09 Nghị quyết chuyên đề, 8 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh xây dựng Đảng, xây dựng chính trị hàng năm; 05 quy định, 04 Quy chế, 24 Chỉ thị, 1625 Quyết định, 816 Quyết định, 104 Chương trình, 289 Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Trung ương, tỉnh, thành phố… Những văn bản chỉ đạo đã và đang tiếp tục thực hiện và có bổ sung sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Chính quyền thành phố xây dựng phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, lấy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân là nhiệm vụ trung tâm; gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái trong từng bước phát triển; đẩy mạnh công tác giảm nghèo, khuyến khích làm giàu chính đáng. Tổ chức việc kết nghĩa, giúp đỡ nhau giữa các địa phương là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển, hàng năm các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng, tăng tỷ trọng ngành du lịch – dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông – lâm nghiệp; khai thác có hiệu quả thế mạnh của địa phương để phát triển du lịch và phát triển nông nghiệp; lĩnh vực du lịch – dịch vụ tiếp tục phát triển, chất lượng du lịch – dịch vụ ngày càng được nâng cao, lượng khách đến du lịch đến Đà Lạt hàng năm tăng, thương hiệu du lịch Đà Lạt ngày càng được khẳng định. Dịch vụ, thương mại, vận tải, bưu chính viễn thông tăng trưởng khá đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được đẩy mạnh, công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được quan tâm; công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường; công tác điều hành chi ngân sách đáp ứng được yêu cầu an sinh xã hội và các khoản chi phục vụ các hoạt động chung của thành phố.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư và nâng cấp, tạo tiền đề và góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội như hệ thống giao thông, chỉnh trang đô thị; cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục ngày càng được hoàn thiện…
Phát triển văn hoá, y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, nâng dần độ đồng đều về trình độ dân trí, văn hoá và mức độ hưởng thụ, chăm sóc sức khoẻ của Nhân dân giữa các đô thị với nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số của thành phố; gìn giữ và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc; xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tập trung phát triển đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực văn hóa – xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thực hiện nếp sống văn minh; quan tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; lĩnh vực giáo dục – đào tạo đạt nhiều thành tích; các chương trình y tế được triển khai tích cực, đồng bộ và hiệu quả; thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với gia đình có công, đối tượng bảo trợ xã hội; chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện tốt, đến nay thành phố không còn hộ nghèo.
Thường xuyên thực hiện các chính sách về phát triển kinh tế, an sinh xã hội, chăm lo đời sống của các tầng lớp Nhân dân và quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, giáo dục đạo đức cho cán bộ chính quyền các cấp đáp ứng yêu cầu tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quan tâm thực hiện tốt việc thực hiện các chính sách về đại đoàn kết dân tộc, không ngừng hoàn thiện các cơ chế dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện phương châm“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong tất cả các loại hình nhằm phát huy dân chủ đồng thời đề cao pháp luật, kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Thực hiện tốt chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số như chính sách đất ở, đất sản xuất, giao khoán quản lý bảo vệ rừng, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ giảm nghèo bền vững, hỗ trợ đào tạo lao động, đào tạo nghề, bồi dưỡng văn hóa để cung cấp nguồn lao động có chất lượng cho địa phương, đầu tư cơ sở vật chất vùng đồng bào dân tộc tại xã Tà Nung và tổ Măng Line phường 7, xây dựng chương trình nông thôn mới tại các xã, đến nay 04/04 xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Bên cạnh đó chính sách về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; các sự kiện chính trị quan trọng, văn hóa, lễ hội được bảo vệ tuyệt đối; các biện pháp quản lý nhà nước về an ninh trật tự được tăng cường, chủ động triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm hiệu quả.
Thông qua công tác dân vận, sự đồng thuận trong xã hội về cơ bản được bảo đảm, khối đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội được tăng cường. Nhiều chương trình lớn như giúp nhau giảm nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, công tác khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tham gia các lễ hội... được sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân, mang lại kết quả tốt.
Những kết quả đạt được sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, cấp ủy, chính quyền thành phố đã rút ra bài học kinh nghiệm:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết trung ương, tỉnh và thành phố. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sự phối hợp giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong triển khai thực hiện. Phát huy rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đảng, quản lý điều hành của chính quyền, xây dựng vững chắc mối quan hệ máu thịt giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Hai là, chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận trong tầng lớp Nhân dân về việc thực hiện Nghị quyết; có cơ chế, chính sách phù hợp phát huy vai trò của các giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội, củng cố vững chắc liên minh công – nông – trí, thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, doanh nhân, tạo sự đồng thuận xã hội vì mục tiêu chung xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh và phát triển toàn diện.
Ba là, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đổi mới tác phong lề lối làm việc và phong cách phục vụ Nhân dân. Thực hiện việc lực chọn, bố trí quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ có phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm vì Nhân dân phục vụ.
Bốn là, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giải quyết tốt quan hệ lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội, kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và toàn xã hội, chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, công bằng xã hội gắn với phát huy dân chủ ở cơ sở.
Năm là, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sâu sát quần chúng, cơ sở, quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người dân và là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.
KHÁNH PHƯỢNG –
PHÓ TRƯỞNG BAN DÂN VẬN THÀNH ỦY