Chào mừng kỷ niệm 49 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024) Chào mừng kỷ niệm 49 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024)
Tăng cường hoạt động khảo sát - một trong những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Lạt. In trang
27/03/2023 02:07 CH

Trong những năm qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định và quy chế hoạt động, các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Lạt đã triển khai thực hiện các nội dung giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề, thẩm tra các nội dung phục vụ các kỳ họp của Hội đồng nhân dân thành phố, cung cấp cho đại biểu Hội đồng nhân dân nhiều thông tin về tình hình thực tế ở địa phương cũng như những cơ sở pháp lý trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp Hội đồng nhân dân thành phố có cơ sở quyết nghị những vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở địa phương.

Với đặc thù là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng, tăng trưởng kinh tế và mức độ phát triển đô thị ngày càng cao của thành phố trong giai đoạn hiện nay đặt ra yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử nhằm đảm bảo sự tuân thủ các quy định pháp luật trong chỉ đạo điều hành của chính quyền địa phương; đây chính là trách nhiệm của Hội đồng nhân dân thành phố nói chung và là trách nhiệm của các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố nói riêng. Nắm bắt yêu cầu phát sinh từ thực tiễn, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021- 2026, nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Lạt đã được chú trọng triển khai, trong đó giải pháp tăng cường hoạt động khảo sát một trong những nội dung thuộc nhóm giải pháp Đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ hoạt động các Ban của Hội đồng nhân dân giữa 2 kỳ họp” – đã được thực hiện và bước đầu tạo được nhiều chuyển biến tích cực.


Đoàn công tác của Ban Kinh tế xã hội - Hội đồng nhân dân thành phố Đà Lạt thực hiện các hoạt động khảo sát tại cơ sở

Nói về hoạt động khảo sát, đánh giá góc độ cơ sở pháp lý, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII ngày 04/12/2015 đã thông qua Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, theo đó hoạt động giám sát của các Ban của Hội đồng nhân dân được quy định cụ thể (từ Điều 76 đến Điều 82), các quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn lĩnh vực phụ trách, hoạt động …của các Ban cũng được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 và các quy định của pháp luật có liên quan, tạo hành lang pháp lý cần thiết, giúp các Ban của Hội đồng nhân dân nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, đối với hoạt động khảo sát, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân không có giải thích khái niệm “khảo sát” và cũng không quy định mục cụ thể cho hoạt động này. Về cơ sở thực tiễn, trước đây, các Ban của Hội đồng nhân dân thực hiện hoạt động khảo sát chủ yếu lồng ghép trong hoạt động giám sát chuyên đề và năm bắt thực tế một số nội dung liên quan đến ý kiến của cử tri phản ánh những vấn đề liên quan đến các mặt của đời sống xã hội và lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị…; hoạt động này thường được thực hiện trước các kỳ họp thường kỳ, góp phần phục vụ cho hoạt động thẩm tra các nội dung báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp; chưa được tiến hành độc lập, theo một quy trình đầy đủ các bước: chuẩn bị, tiến hành, kết thúc, theo dõi, đôn đốc các kiến nghị sau khảo sát.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, trên cơ sở các Nghị quyết của Thành ủy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố giai đoạn 2021-2026, Quyết định số 1834/QĐ-UBND ngày 27/5/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, Đại hội Đảng bộ Thành phố Đà Lạt lần thứ XII và Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 13/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng (khóa X) về phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận giai đoạn 2016 – 2020 định hướng đến năm 2030, với những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội cụ thể qua từng năm, các khâu đột phá, các công trình, dự án trọng điểm, các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố đã xây dựng Định hướng chương trình khảo sát, giám sát chuyên đề cho cả nhiệm kỳ 2021 - 2026, việc làm này có ý nghĩa quan trọng trong việc đổi mới phương thức, nâng cao tính chủ động của các Ban của Hội đồng nhân dân trong hoạt động giám sát hằng năm, trong đó có hoạt động khảo sát.


Nội dung chương trình định hướng được xây dựng trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, các thành viên của các Ban của Hội đồng nhân dân, của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân và qua các kiến nghị của cử tri, các ý kiến chất vấn của đại biểu tại các kỳ họp, tại các buổi tiếp công dân, những vấn đề mà dư luận quan tâm … Hàng năm các Ban của Hội đồng nhân dân đã xây dựng chương trình hoạt động giám sát chung, trong đó báo cáo đề xuất với Thường trực Hội đồng nhân dân thống nhất lựa chọn ít nhất 04 nội dung để khảo sát và ít nhất 02 nội dung giám sát chuyên đề để triển khai thực hiện trong thời gian giữa 02 kỳ họp.

Hoạt động khảo sát độc lập đã được các Ban của Hội đồng nhân dân lựa chọn với tiêu chí là kết quả thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cụ thể trong năm và vấn đề được cử tri quan tâm. Theo đó, năm 2022 và 03 tháng đầu năm 2023, các Ban của Hội đồng nhân dân triển khai hoạt động khảo sát độc lập gồm các nội dung liên quan đến các lĩnh vực đầu tư công, nông nghiệp, xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết, du lịch canh nông, nông thôn mới, y tế và giáo dục, thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh văn hóa, hoạt động tư pháp địa phương…

Các tài liệu, báo cáo của cơ quan, đơn vị được khảo sát cung cấp chỉ mang tính chất tham khảo; khi tiến hành khảo sát, các Ban của Hội đồng nhân dân chú trọng việc đi thực tế hiện trường có liên quan đến nội dung vấn đề khảo sát để tìm hiểu, đối chiếu với những thông tin đã có trong các báo cáo cũng như thông tin trong dư luận. Hoạt động khảo sát không đòi hỏi quá nhiều thời gian, tính linh hoạt cao, đơn giản và dễ thực hiện so với hoạt động giám sát chuyên đề; qua hoạt động khảo sát, khi phát hiện có nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập cần thiết phải làm rõ, các Ban của Hội đồng nhân dân sẽ báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, có thể quyết định chuyển sang nội dung giám sát chuyên đề.

Hoạt động khảo sát của Ban của Hội đồng nhân dân thời gian qua được tăng cường với cả hai hình thức, khảo sát độc lập và khảo sát lồng ghép trong hoạt động giám sát chuyên đề, qua đó đã nhận định, đưa ra kết luận và có những kiến nghị xác đáng với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức xã hội trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, hiệu quả sản xuất kinh doanh, ổn định tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.

Một số hình ảnh trong chuỗi các hoạt động khảo sát năm 2022

của Ban Kinh tế xã hội của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Lạt

Việc tổ chức hoạt động khảo sát một cách độc lập, thường xuyên giữa 02 kỳ họp không những góp phần đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động khảo sát, giám sát chuyên đề của các Ban của Hội đồng nhân dân mà có ý nghĩa góp phần nâng cao hiệu quả trong một số hoạt động khác, cụ thể:

- Các Ban của Hội đồng nhân dân có thêm cơ sở để tham mưu, đề xuất nội dung giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân, của Thường trực Hội đồng nhân dân hằng năm theo luật định.

- Các Ban của Hội đồng nhân dân có thêm thông tin từ thực tế, đặc biệt là ở các lĩnh vực được quan tâm, nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, khách quan hơn, từ đó có thêm cơ sở để nhận định, đánh giá tính phù hợp của các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết do Ủy ban nhân dân thành phố trình, giúp đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố có thêm những cơ sở thực tiễn và pháp lý để nghiên cứu, thảo luận và quyết nghị các nội dung tại kỳ họp.

- Một số nội dung phân tích, đánh giá tại các báo cáo khảo sát là nguồn cung cấp các cứ liệu, dữ liệu quan trọng cho đại biểu lựa chọn làm nhóm vấn đề để thực hiện quyền chất vấn, truy vấn tại các kỳ họp.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong những năm tiếp theo của nhiệm kỳ 2021-2026, các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Lạt cần phải bám sát vào quy chế hoạt động, chấp hành sự phân công, chỉ đạo của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố; tiếp tục đổi mới, chủ động thực hiện các giải pháp cụ thể, thiết thực, đảm bảo thực hiện chức năng nhiệm vụ đúng thẩm quyền và đáp ứng được những đòi hỏi yêu cầu thực tế của địa phương, góp phần trong nâng cao chất lượng hoạt động và hiệu quả giám sát chung của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Lạt khóa XII theo quy định của pháp luật./.

                                                                              

                             Ban Tuyên giáo tổng hợp

Lượt xem: 874
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000603851
  •  Đang online: 34
  •  Trong tuần: 1.012
  •  Trong tháng: 25.150
  •  Trong năm: 101.062