Chào mừng kỷ niệm 49 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024) Chào mừng kỷ niệm 49 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024)
Đà Lạt từng bước hướng đến đô thị thông minh In trang
22/02/2023 02:08 CH

Nhiều hạng mục trong Đề án “Xây dựng TP Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2018 - 2025” tiếp tục được phát triển và hoàn thiện trong năm 2022, đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

 

Lắp đặt thiết bị tại Trung tâm IOC mới của TP Đà Lạt

• DIỆN MẠO MỚI CHO TRUNG TÂM IOC 

Đưa chúng tôi đi thăm địa điểm mới của Trung tâm Điều hành thông minh (IOC - Intelligent Operation Center) tại tòa nhà mới vừa được xây dựng tại UBND TP Đà Lạt, ông Phạm Tấn Long - chuyên viên phụ trách công tác cải cách hành chính của thành phố cho biết, trung tâm này sắp đến sẽ hiện đại hơn rất nhiều so với trung tâm trước đó. 

Tháng 12/2019, Trung tâm IOC của Đà Lạt được đưa vào vận hành với mục tiêu là nơi cung cấp thông tin toàn diện các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn thành phố; là công cụ để giám sát và quản lý từ tổng thể đến chi tiết trong nhiều lĩnh vực, từ các chỉ tiêu đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, giám sát trực quan trên bản đồ số, chất lượng dịch vụ y tế; điều hành giao thông đô thị thông qua hệ thống máy ghi hình (camera), quản lý thủ tục cấp phép xây dựng, việc giải quyết dịch vụ hành chính công... 

Cho đến nay, Trung tâm IOC Đà Lạt đã tích hợp thông tin trong nhiều lĩnh vực; thực hiện việc giám sát và điều hành các chỉ tiêu báo cáo, thống kê; hiệu quả hoạt động của chính quyền cũng như độ hài lòng của người dân; an ninh trật tự công cộng; các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, quản lý sử dụng đất đai; tương tác, giao tiếp phục vụ công dân.

Trung tâm IOC đã tích hợp, kết nối và hiển thị các ứng dụng trên thiết bị di động như ứng dụng Đà Lạt trực tuyến, Quy hoạch Đà Lạt, Giáo dục, Du lịch, Việc làm Lâm Đồng...; kết nối với hệ thống 324 camera trên địa bàn TP Đà Lạt phục vụ công tác quản lý nhà nước về giao thông, trật tự đô thị. Gần đây, Trung tâm còn kết nối với 22 camera quan sát tầm cao để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng, trật tự xây dựng.

“Sắp đến, chúng tôi sẽ có thêm hệ thống máy chủ mạnh hơn, hoạt động đồng bộ hơn cùng một số trang thiết bị hiện đại”, ông Long cho biết. Kinh phí trang bị cho Trung tâm IOC này nằm trong gói đầu tư 14 tỷ đồng đã được TP Đà Lạt phê duyệt trong năm 2023. 

 Trung tâm Điều hành thông minh TP Đà Lạt (IOC). Ảnh: Chính Thành

Trung tâm Điều hành thông minh TP Đà Lạt (IOC). Ảnh: Chính Thành

• HƯỚNG ĐẾN ĐÔ THỊ THÔNG MINH 

Tháng 7/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Đề án “Xây dựng TP Đà Lạt trở thành thành phố thông minh”. Căn cứ theo đề án này, trong giai đoạn 2021- 2025, Đà Lạt xây dựng Trung tâm IOC cùng hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh.

Cùng với việc đưa Trung tâm IOC vào vận hành, Đà Lạt còn phát triển nhiều ứng dụng đi cùng; trong đó có ứng dụng du lịch thông minh phục vụ cho du khách khi đến thành phố này. 

Cụ thể, Đà Lạt đã phối hợp với VNPT Lâm Đồng phát triển và vận hành Cổng thông tin du lịch (https://dalatcity.org, http://dalat.vn) và phần mềm ứng dụng “Dalat City”. Với ứng dụng này, du khách có thể thực hiện một chương trình du lịch Đà Lạt hoàn toàn qua hệ thống mạng toàn cầu (internet), từ tìm hiểu, cập nhật thông tin về TP Đà Lạt thông qua các cổng thông tin du lịch, mạng xã hội và các diễn đàn du lịch; đặt vé, phòng khách sạn qua mạng; tra cứu các sự kiện văn hóa, điểm đến, ẩm thực, giao thông, thời tiết; tương tác mạng xã hội trong suốt lịch trình; nhận các thông tin sự kiện về văn hóa, lễ hội, du lịch; đánh giá, góp ý về chất lượng dịch vụ, phục vụ của du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt.

Đến nay, ứng dụng này đã cập nhật được 1.570 cơ sở lưu trú trên địa bàn, 819 cơ sở ăn uống, 138 địa điểm du lịch, 96 địa điểm mua sắm, 561 điểm giải trí và gần 1.000 địa điểm tiện ích công cộng. Ứng dụng cung cấp các thông tin thiết yếu cho du khách như danh bạ công an, các địa điểm có máy rút tiền tự động (ATM), cây xăng, bệnh viện, nhà thuốc, nhà xe, bãi đỗ xe… Thông qua ứng dụng, du khách có thể liên hệ với các cơ quan chức năng để hỗ trợ qua số điện thoại đường dây nóng khi du lịch tại Đà Lạt. Đến nay, ứng dụng này đã có gần 1,2 triệu lượt truy cập.

Đà Lạt cũng phát triển các ứng dụng nội bộ phục vụ công tác quản lý nhà nước như “Cấp phép xây dựng”, “Đăng ký kinh doanh”, giúp công chức tác nghiệp, giải quyết các thủ tục cấp phép lĩnh vực xây dựng với gần 13 nghìn hồ sơ cũng như đăng ký kinh doanh trên 16,6 nghìn hồ sơ. Từ giữa tháng 12/2020, Đà Lạt đưa vào sử dụng phần mềm xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực xây dựng; văn hóa, du lịch. Tính từ đầu năm 2021 đến đầu tháng 12/2022, Đà Lạt đã xử lý 310 trường hợp vi phạm (trong đó có 230 hồ sơ lĩnh vực quản lý đô thị, xử phạt 4,6 tỷ đồng; 80 hồ sơ lĩnh vực văn hóa - thông tin, xử phạt 330 triệu đồng). 

Cùng với các phần mềm quản lý, Đà Lạt còn phát triển ứng dụng “Đà Lạt trực tuyến - iGov Connect”- nhằm kết nối người dân và chính quyền. Ứng dụng này được cung cấp trên 2 nền tảng gồm trên điện thoại di động thông minh và trên máy tính, dễ khai thác, sử dụng, dễ nâng cấp, bổ sung tính năng. Thông qua ứng dụng này, ngành chức năng có thể tiếp nhận thông tin từ người dân, xử lý nhanh chóng, giúp thành phố nâng cao hiệu quả trong quản lý hành chính nhà nước. 

Theo UBND TP Đà Lạt, đến nay, đã có trên 48,2 nghìn công dân tải, sử dụng ứng dụng Đà Lạt trực tuyến; trên 49,6 nghìn công dân lấy số trực tuyến để thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả TP Đà Lạt. Sau hơn 3 năm vận hành (từ 1/6/2019 đến nay), ngành chức năng thành phố đã tiếp nhận trên 9.600 phản ánh tại hiện trường trong các lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả thị trường...

Đà Lạt cũng đã phối hợp với VNPT Lâm Đồng xây dựng hoàn thiện và đưa vào vận hành dữ liệu đất đai ở 16 phường, xã: được công bố trên cổng thông tin công bố quy hoạch TP Đà Lạt và phần mềm trên thiết bị di động “Thông tin quy hoạch Đà Lạt” nhằm công bố thông tin cho người dân dữ liệu quy hoạch đất đai, quy hoạch kiến trúc xây dựng, quy hoạch phân khu, dữ liệu lớp giao thông, thông tin giá đất... trên nền tảng GIS.

Đến nay, Đà Lạt đã số hóa dữ liệu của 116.848 thửa đất cho 12 phường và 4 xã; số hóa dữ liệu quy hoạch cho 17 phân khu và quy hoạch chi tiết trên địa bàn TP Đà Lạt được UBND tỉnh phê duyệt; số hóa dữ liệu giao thông 207 đường, 577 cung đường và 625 hẻm. Cổng thông tin công bố quy hoạch TP Đà Lạt cung cấp các thông tin liên quan đến các dự án về chỉnh trang đô thị, xây dựng các khu chung cư mới, quy hoạch các khu đô thị, di dời nhà ở, tái kiến thiết các khu vực. Tính từ tháng 1/2019 đến đầu tháng 12/2022 đã có khoảng 1,2 triệu lượt xem trang. 

Trong năm 2022, Đà Lạt được nhận giải thưởng “Thành phố Thông minh Việt Nam” trong hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin điều hành, quản lý thông minh với sản phẩm cổng thông tin công bố quy hoạch do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức.

Ban Tuyên giáo tổng hợp

Lượt xem: 823
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000601894
  •  Đang online: 10
  •  Trong tuần: 4.846
  •  Trong tháng: 23.193
  •  Trong năm: 99.105