CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024) CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024)
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG ĐÀ LẠT (3/4/1945 – 3/4/2024) In trang
28/03/2024 04:56 CH

Hòa chung khí thế hào hùng cả nước kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố Đà Lạt càng thêm tự hào về một thành phố anh hùng, lập nhiều chiến công lịch sử, tiếp tục xây dựng quê hương Đà Lạt không ngừng lớn mạnh, giàu đẹp hơn. 

Thời kỳ chuẩn bị giải phóng thị xã Đà Lạt, tỉnh Tuyên Đức, việc huy động sức người, sức của phục vụ kháng chiến trong 20 năm của Nhân dân Đà Lạt đã có những đóng góp quan trọng. Là một thành phố bao quanh bởi rừng núi hiểm trở, hai trục lộ chính (đường 11 và đường 20) do địch kiểm soát, đường vận chuyển chi viện cho Đà Lạt rất khó khăn trở ngại, Đà Lạt lại không có vành đai sản xuất lương thực; mọi nhu cầu từ lương thực, thực phẩm, thuốc men và thiết yếu khác đều phải dựa vào dân nội thị. Suốt 20 năm bám trụ chiến đấu, các lực lượng hoạt động trên địa bàn đều dựa vào sự cung cấp của Nhân dân Đà Lạt. Nhân dân đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, tích trữ vũ khí, lương thực, nuôi dưỡng thương binh, nuôi gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ bám trụ hoạt động, có thời gian cung cấp, nuôi từ 4 đến 5 tiểu đoàn suốt cả tháng trời về đứng chân chiến đấu. Sự đóng góp của Nhân dân Đà Lạt có ý nghĩa rất lớn đối với công cuộc kháng chiến ở địa phương. Nổi bật là ta đã thành công trong việc “biến hậu phương của địch thành hậu phương của ta”.

Trong cuộc chiến đấu cam go và ác liệt, 733 liệt sỹ đã ngã xuống, 323 thương binh đã cống hiến một phần thân thể cho quê hương, hơn 1.100 cán bộ và đồng bào bị địch bắt tra tấn, tù đày.

Ghi nhận những đóng góp đó, Nhà nước phong tặng cho quân và dân Đà Lạt 4 Huân chương Thành đồng, 2 Huân chương Quân công, 16 Huân chương Chiến công, 3 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 73 Mẹ Việt Nam Anh hùng; xã Xuân Trường và thành phố được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 224 gia đình được Nhà nước tặng bảng vàng danh dự “Gia đình có công với cách mạng”. Đó là sự ghi nhận, biểu dương thành tích và sự hy sinh xương máu của quân và dân Đà Lạt trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước.

Sáng ngày 3/4/1975, lúc 8 giờ 20 phút, cờ Giải phóng tung bay trên Tòa Hành chính Tuyên Đức/Đà Lạt, cơ quan đầu não của chính quyền cũ tại địa phương, đánh dấu giờ phút lịch sử: Tỉnh Tuyên Đức và thị xã Đà Lạt hoàn toàn được giải phóng. Ngày 4/4/1975, Ủy ban Quân quản thành phố Đà Lạt được thành lập. Ngày 6/4/1975, Khu ủy Khu VI ra quyết định thành lập Thành ủy Đà Lạt. Ngày 14/4/1975, hơn 10.000 Nhân dân Đà Lạt tham gia cuộc mít tinh mừng quê hương được giải phóng và đón đoàn của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam do Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát dẫn đầu. Tại buổi lễ, Đảng bộ, quân và dân thành phố Đà Lạt được trao tặng Huân chương Thành đồng hạng Nhất. Thành phố Đà Lạt được giải phóng có những sự kiện khá đặc biệt: Không có những cuộc đụng độ vũ trang gây đổ máu, không bị mất điện, mất nước một giờ nào, không bị nạn cướp bóc phá rối, các cơ sở vật chất kỹ thuật, kinh tế được tiếp quản hầu như nguyên vẹn.

Qua hai cuộc kháng chiến, Đà Lạt cũng là nơi có phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi, liên tục, nhất là từ khi có chi bộ Đảng đầu tiên ra đời, đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân thành phố giành nhiều thắng lợi, góp phần cùng cả nước viết lên những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc.

Sau giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Đà Lạt luôn phát huy truyền thống thành phố anh hùng, năng động, sáng tạo, chung sức đồng lòng, đạt được nhiều thành tựu to lớn, nổi bật, mang tính tiên phong, đột phá, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, đổi mới và phát triển thành phố Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung. 

Ngày nay, diện mạo thành phố từng bước đổi thay, kinh tế - xã hội phát triển, cơ sở hạ tầng được quan tâm; trình độ dân trí ngày càng được nâng cao; quốc phòng - an ninh được củng cố và giữ vững; quan hệ đối ngoại được mở rộng; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hàng năm thành phố đón trên 6 triệu lượt khách; Phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”.

Hiện nay, thành phố Đà Lạt có diện tích tự nhiên 391 km2, dân số khoảng 232.400 người, với 20 dân tộc anh em chung sống đoàn kết, thuận hòa. Thành phố Đà Lạt là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam và Quốc tế, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ với khoảng 2.460 cơ sở lưu trú, 31.750 phòng; là thành phố Festival Hoa đã qua 9 lần tổ chức với chu kỳ 02 năm/01 lần. Ngoài ra, thành phố Đà Lạt đang trong giai đoạn xây dựng thành phố thông minh, đô thị di sản thế giới.

Đặc biệt, thành phố Đà Lạt được lựa chọn là một trong 8 thành phố của Việt Nam (cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long, Vũng Tàu, Hải Phòng) tham gia phối hợp thực hiện xây dựng Đề án thành phố sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực Âm nhạc. Ngày 31/10/2023 thành phố Đà Lạt được chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc. Qua đó, khẳng định sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế, thúc đẩy quảng bá hình ảnh thành phố Đà Lạt - tỉnh Lâm Đồng là điểm đến hấp dẫn, an toàn, văn minh và thân thiện. Không chỉ là địa điểm du lịch hấp dẫn, Đà Lạt cũng là đầu tàu về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 704/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng như Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng đã xác định mục tiêu: Xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị hiện đại, thành phố sáng tạo, là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa di sản mang tầm quốc tế đặc sắc, là trung tâm văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và giải trí cấp vùng; một địa điểm nổi bậc cho sự sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật.

Trong sự phát triển chung và lớn mạnh của thành phố Đà Lạt trong 49 năm sau ngày giải phóng, có sự đóng góp, hy sinh lớn lao của các cán bộ lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, các đồng chí thương bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân thành phố. Chúng ta mãi ghi nhớ công ơn to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, hòa bình hôm nay.

BAN TUYÊN GIÁO THÀNH ỦY ĐÀ LẠT

Lượt xem: 42
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000633182
  •  Đang online: 12
  •  Trong tuần: 7.723
  •  Trong tháng: 18.828
  •  Trong năm: 130.393