Chào mừng Festival Hoa Đà lạt lần thứ X, hướng đến Kỷ niệm 50 năm giải phóng Đà Lạt và chào mừng Đại hội Đảng các cấp Chào mừng Festival Hoa Đà lạt lần thứ X, hướng đến Kỷ niệm 50 năm giải phóng Đà Lạt và chào mừng Đại hội Đảng các cấp
ĐÓNG GÓP CỦA QUÂN VÀ DÂN ĐÀ LẠT TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP - HP In trang
06/05/2024 04:02 CH

Ngược dòng thời gian, trở lại những ngày Tháng Tám lịch sử hào hùng năm 1945, cả nước sục sôi trong khí thế của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, giành lại độc lập cho dân tộc sau gần 1 thế kỉ bị đô hộ. Thắng lợi của những tháng ngày sôi nổi đó đã đưa tới sự ra đời của một nhà nước mới cho dân tộc Việt Nam: nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hòa trong không khí hào hùng đó, quân và dân Đà Lạt - Lâm Đồng (trước đây là tỉnh Lâm Viên và tỉnh Đồng Nai Thượng) cũng góp phần không nhỏ trong cuộc cách mạng này. Ngày 23/8/1945, cách mạng giành chính quyền thành công ở Đà Lạt và tỉnh Lâm Viên. Ngày 28/8/1945, cách mạng giành chính quyền thành công ở tỉnh Đồng Nai Thượng. Để góp phần bảo vệ nền độc lập vừa giành được, cũng như việc củng cố chính quyền nhân dân non trẻ, quân và dân Đà Lạt đã không ngại hi sinh quyền lợi, chung tay góp sức, góp của cải vì sự nghiệp cách mạng, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do, độc lập và thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

          Trong những ngày tháng gian khổ với ngân khố trống rỗng của chính quyền mới, nhân dân Đà Lạt đã đóng góp “tuần lễ vàng” để giải quyết vấn đề tài chính khó khăn. Cùng với đó, việc xây dựng chính quyền cũng được nhân dân Đà Lạt nhiệt tình hưởng ứng tham gia bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên năm 1946. Mặc dù gặp nhiều khó khăn bởi sự cản trở của kẻ thù, tại Đà Lạt, cuộc bầu cử vẫn được tiến hành khẩn trương và đúng nguyên tắc. Trong vùng bị tạm chiếm ở nội thành, ta tổ chức các thùng phiếu bí mật và đưa tới tận nhà cho cử tri bỏ phiếu. Tại khu vực Cầu Đất và những vùng cách mạng làm chủ, bầu cử diễn ra chu đáo và được hưởng ứng bởi đông đảo cử tri.

Cuối năm 1945, Pháp đã hoàn thành tái chiếm Nam Bộ và chuẩn bị cho việc tấn công các tỉnh Nam Trung Bộ. Đầu năm 1946, Pháp đã tái chiếm trở lại Đà Lạt. Trước tình hình quân Pháp trở lại xâm lược Đà Lạt, chính quyền cách mạng đã quyết định đưa các cơ quan, đoàn thể và cư dân Đà Lạt tản cư về vùng kháng chiến ở Cầu Đất, xây dựng cơ sở lâu dài cho cuộc kháng chiến của quân dân Đà Lạt, đồng thời lập phòng tuyến chặn địch ở Trại Mát để bảo vệ cho khu vực tự do ở Cầu Đất.

Sau khi chiếm được Đà Lạt, Pháp nhanh chóng củng cố lại bộ máy cai trị, kêu gọi nhân dân hồi cư và khủng bố các chiến sĩ cách mạng. Trong vùng bị địch tạm chiếm, nhân dân vẫn âm thầm đóng góp cho kháng chiến bằng nhiều hình thức, với niềm tin về một ngày mai thắng lợi hoàn toàn.

Để đẩy mạnh phong trào kháng chiến tại Đà Lạt, nhiều cán bộ đã được tăng cường, lập ra các đội công tác để bám dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chống lại các luận điệu xuyên tạc của địch, xây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng ở Đà Lạt và vùng xung quanh. Tại nhà đèn, công đoàn được thành lập và vận động công nhân ủng hộ kháng chiến, treo cờ, rải truyền đơn. Tại Sở địa dư, công nhân đã cung cấp nhiều bản đồ, tài liệu và tin tức quan trọng có ý nghĩa chiến lược để ta có kế hoạch đối phó, làm thất bại nhiều âm mưu và hoạt động quân sự của địch. Đêm 13/3/1947, hai cơ sở đã lấy súng và đồ dùng trong kho đưa ra chiến khu.

Trên tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt, đường dây liên lạc vẫn được giữ vững, công nhân hỏa xa góp phần đảm bảo an toàn vận chuyển lương thực, tài liệu và đưa đón cán bộ lên Đà Lạt. Trong giai đoạn 1946 – 1949, mặc dù gặp nhiều khó khăn, tổn thất, bị địch khủng bố và kiểm soát gắt gao nhưng nhờ sự đóng góp của quần chúng nhân dân, phong trào cách mạng vẫn được củng cố và phát triển, gây cho Pháp rất nhiều khó khăn. Tháng 01/1950, Thị ủy Đà Lạt được thành lập do đồng chí Phan Như Thạch làm bí thư. Từ cuối năm 1950, phong trào cách mạng ở Đà Lạt có sự phát triển đáng kể với trên 2000 cơ sở cách mạng trong quần chúng khắp thành phố, nhân dân ở nội thành vẫn tiếp tục tham gia đóng góp cho cách mạng, gây thiệt hại nặng nề cho Pháp về nhiều mặt, cùng với đó có hàng trăm công nhân, thanh niên, học sinh thoát li ra căn cứ tham gia kháng chiến. Tiêu biểu là phong trào phụ nữ “Minh Khai” của chị em tiểu thương tại chợ Đà Lạt, đấu tranh đòi giảm thuế, vận động quần chúng tham gia ủng hộ kháng chiến, tiếp tế cho cách mạng với cuộc vận động “áo mùa đông chiến sĩ”, đóng góp hàng trăm áo len và nhiều thuốc men bí mật chuyển ra chiến khu. Phong trào này có ảnh hưởng rất lớn tới nhiều tầng lớp nhân dân Đà Lạt, thể hiện vai trò to lớn của chị em phụ nữ Đà Lạt trong công cuộc kháng chiến chống Pháp của quân dân ta.

Một bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Pháp của quân dân Đà Lạt là sự ra đời của đội cảm tử Phan Như Thạch năm 1951. Với số lượng thanh niên, học sinh, sinh viên thoát li ra vùng kháng chiến ngày càng đông, thể hiện vai trò và tinh thần cách mạng của quần chúng ngày càng lớn, đầu năm 1951, Thị ủy Đà Lạt đã cho thành lập Đội cảm tử Phan Như Thạch, gồm 36 cán bộ, chiến sĩ, có 13 tổ cảm tử hoạt động ở vùng nội thành Đà Lạt và 5 đội vũ trang tuyên truyền xây dựng các cơ sở trừ ác diệt gian. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 1951, nhiều tên mật thám ác ôn đã bị trừng trị, nhờ vai trò của đội cảm tử Phan Như Thạch và sự giúp đỡ, chỉ điểm của quần chúng nhân dân Đà Lạt, làm cho Pháp tổn thất nặng những cánh tay đắc lực. Tháng 5/1951, đội cảm tử Phan Như Thạch được giao nhiệm vụ đột nhập vào Đà Lạt tiếp tục trừ gian diệt ác, hỗ trợ phong trào chính trị của quần chúng nhân dân ở nội thành Đà Lạt, lập thành tích chào mừng sinh nhật Bác Hồ. Ngày 11/5/1951, đội cảm tử đã đột nhập vào Biệt thự Hoa Hồng (nay là nhà số 17 Huỳnh Thúc Kháng) để bắt sống tên Haasz, Thanh tra mật thám Pháp ở Đà Lạt. Tuy nhiên, chiều hôm đó, khi về tới nhà, Haasz đã phát hiện lực lượng của ta đang mai phục nên bỏ chạy, các chiến sĩ đã buộc phải nổ súng và tiêu diệt, thu giữ nhiều tài liệu quan trọng và chiến lợi phẩm rồi rút về chiến khu. Cái chết của Haasz đã gây ra nhiều hoang mang trong hàng ngũ binh lính Pháp ở Đà Lạt.

Để trấn an tinh thần binh lính, cũng như khủng bố tinh thần các chiến sĩ cách mạng, tối hôm đó Pháp đã đưa 20 tù nhân đang bị giam tại Nhà lao Đà Lạt ra khu rừng gần sân bay Cam Ly xử bắn, đó là vụ thảm sát Cam Ly kinh hoàng, gây chấn động dư luận và lương tri, trong đó 19 người đã chết, chỉ còn 1 người may mắn sống sót là chị Nguyễn Thị Lan, đã được bà Từ Cung – mẹ vua Bảo Đại giúp đỡ.

Đáp trả lại hành động trả thù dã man của Pháp trong vụ thảm sát Cam Ly, ngày 12/5/1951, hàng ngàn dân Đà Lạt đã xuống đường biểu tình đòi trừng trị những tên ác ôn, bồi thường cho những gia đình có người bị sát hại. Phong trào đấu tranh của nhân dân Đà Lạt đã đưa vụ thảm sát Cam Ly ra ánh sáng công lý, gây chấn động dư luận tới cả nước Pháp, làm dậy sóng trong chính trường Pháp. Những nghị sĩ Đảng Cộng sản Pháp trong Quốc hội đã đưa vấn đề này ra trước Quốc hội điều trần và đòi phải chấm dứt ngay những tội ác đối với thuộc địa.

Đêm 18/5/1951, đội cảm tử Phan Như Thạch đã đột nhập vào thị xã treo cờ, rải truyền đơn. Ngày 19/5, chợ ở Đà Lạt không họp, học sinh nghỉ học, các cửa hàng đóng cửa, đường phố vắng người, thể hiện ý thức cách mạng của quần chúng Đà Lạt quyết tâm chống Pháp.

Mặc dù sống trong vùng bị địch tạm chiếm, kìm kẹp, khủng bố, nhưng quần chúng nhân dân Đà Lạt vẫn luôn hướng về cách mạng, tìm mọi cách để đóng góp cho thắng lợi của cuộc kháng chiến. Nhiều gia đình đã đào hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ cách mạng, tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm ra chiến khu. Nhiều cơ sở cách mạng bị địch phát hiện, các chiến sĩ bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng vẫn một lòng kiên trung với cách mạng, với quê hương, nhất quyết không khai một lời, chấp nhận hi sinh cho một ngày mai thắng lợi. Sự đóng góp của quần chúng nhân dân là nguồn động lực, cổ vũ cho cán bộ chiến sĩ, cũng như cho những người dân đang ngày đêm kháng chiến chống Pháp vững tin, vượt qua gian khó, ác liệt để hoàn thành nhiệm vụ, để đi tới thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.

Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, phong trào chính trị tại đô thị của nhân dân ngày càng phát triển mạnh mẽ, đã vượt qua những gian khổ, thử thách để tiếp tục phát triển. Những cuộc đấu tranh của nhân dân chống lập hợp tác xã rau, hợp, hợp tác xã gạo, đòi giảm thuế chợ đã buộc địch phải nhượng bộ và chấp nhận các yêu sách. Cuối năm 1953, Pháp đã bắt bà Xu Nguyên (bà Nguyễn Thị Xuân) – một cơ sở tiếp tế nhiều năm cho cách mạng ở Đà Lạt. Bà đã bị địch tra tấn dã man nhưng vẫn không khai một lời, dù đang mang thai, cho tới khi trút hơi thở cuối cùng. Trước hành động tàn bạo của địch, các cơ sở cách mạng ở Đà Lạt đã vận động nhân dân biến đám tang thành cuộc biểu tình chính trị có quy mô lớn, có lực lượng thanh niên và tự vệ hỗ trợ. Cuộc biểu tình này một lần nữa làm lung lay cho nền móng thống trị của thực dân đế quốc Pháp tại Đà Lạt, thể hiện lòng đoàn kết của nhân dân góp phần cho thành công của cuộc kháng chiến.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954 đã đánh dấu chấm hết cho chủ nghĩa thực dân Pháp trên đất nước ta suốt gần 1 thế kỉ, cũng như đánh dấu chấm hết cho sự cai trị của Pháp trên miền đất cao nguyên Đà Lạt này. Sau khi Hiệp định Geneva được kí kết, cán bộ và chiến sĩ các đội xây dựng cơ sở đã hành quân xuống chiến khu Lê Hồng Phong, thực hiện chuyển quân, tập kết, khép lại hành trình 9 năm kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp với thắng lợi thuộc về quân dân ta. Thắng lợi này có sự đóng góp không nhỏ, cũng như sự hi sinh gian khổ của quân dân Đà Lạt đã sát cánh không ngừng cho sự nghiệp cách mạng vì độc lập, tự do.

Ghi nhận những đóng góp của Quân và Dân Đà Lạt qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, Nhà nước phong tặng cho quân và dân Đà Lạt 4 Huân chương Thành đồng, 2 Huân chương Quân công, 16 Huân chương Chiến công, 3 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 73 Mẹ Việt Nam Anh hùng; xã Xuân Trường và thành phố được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 224 gia đình được Nhà nước tặng bảng vàng danh dự “Gia đình có công với cách mạng”. Đó là sự ghi nhận, biểu dương thành tích và sự hy sinh xương máu của quân và dân Đà Lạt trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước.

Hiện nay, thành phố Đà Lạt đã đổi thay, trở thành thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam và Quốc tế, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ; là thành phố Festival Hoa. Ngoài ra, thành phố Đà Lạt đang trong giai đoạn xây dựng thành phố thông minh, đô thị di sản thế giới. Đặc biệt, thành phố Đà Lạt được lựa chọn là một trong 8 thành phố của Việt Nam (cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long, Vũng Tàu, Hải Phòng) tham gia phối hợp thực hiện xây dựng Đề án thành phố sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực Âm nhạc. Ngày 31/10/2023 thành phố Đà Lạt được chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc. Qua đó, khẳng định sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế, thúc đẩy quảng bá hình ảnh thành phố Đà Lạt - tỉnh Lâm Đồng là điểm đến hấp dẫn, an toàn, văn minh và thân thiện. Không chỉ là địa điểm du lịch hấp dẫn, Đà Lạt cũng là đầu tàu về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 704/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng như Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng đã xác định mục tiêu: Xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị hiện đại, thành phố sáng tạo, là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa di sản mang tầm quốc tế đặc sắc, là trung tâm văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và giải trí cấp vùng; một địa điểm nổi bậc cho sự sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật.

Trong sự phát triển chung và lớn mạnh của thành phố Đà Lạt có sự đóng góp, hy sinh lớn lao của các cán bộ lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, các đồng chí thương bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân thành phố. Chúng ta mãi ghi nhớ công ơn to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, hòa bình hôm nay.

70 năm kể từ những ngày tháng hào hùng chiến thắng trước thực dân Pháp hùng mạnh, ta càng thấy rõ vai trò của quân và dân trong cuộc kháng chiến này. Sự đóng góp của quân và dân Đà Lạt đã góp phần làm nên những thắng lợi từ nhỏ tới lớn, gây ra những tổn thất liên tục và khó khăn không ngừng cho Pháp, để rồi giành được chiến thắng và viết tiếp những trang sử vẻ vang cho dân tộc Việt Nam./.

Lượt xem: 734
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000874437
  •  Đang online: 57
  •  Trong tuần: 5.208
  •  Trong tháng: 28.907
  •  Trong năm: 371.648