Chào mừng Festival Hoa Đà lạt lần thứ X, hướng đến Kỷ niệm 50 năm giải phóng Đà Lạt và chào mừng Đại hội Đảng các cấp Chào mừng Festival Hoa Đà lạt lần thứ X, hướng đến Kỷ niệm 50 năm giải phóng Đà Lạt và chào mừng Đại hội Đảng các cấp
Đô thị Đà Lạt - ký ức 130 năm (bài 2) In trang
25/12/2023 03:08 CH

Đồ án của ông chú trọng mở rộng và làm đẹp thành phố ở những khu vực phát triển nông nghiệp như xây dựng các khu biệt thự ngoại ô với mô hình thành phố - vườn. Đặc biệt, tầm nhìn của ông xây dựng Đà Lạt trở thành một trung tâm hành chính trung ương, trung tâm nghỉ dưỡng, giáo dục, văn hóa và du lịch. Bản đồ án cũng giải quyết nhu cầu nhà ở cho những cư dân ngày một đông bằng những khu cư xá, tiêu biểu nhất là cư xá Jean Decoux. Đồ án Lagisquet có thể coi như là đồ án hoàn chỉnh nhất và khu vực trung tâm Đà Lạt trong quy hoạch của ông gần giống với ngày nay.

Ảnh tư liệu về Đà Lạt xưa

Ảnh tư liệu về Đà Lạt xưa

Đà Lạt thời kỳ 1940-1945 bước vào một giai đoạn phát triển cực thịnh và dưới thời Toàn quyền Jean Decoux, Đà Lạt có thời gian mang tính chất của thủ phủ Đông Dương khi ông lưu trú và làm việc ở đây suốt thời gian dài. Nhiều công trình mới được xây dựng ở Đà Lạt và vùng phụ cận như: Nhà máy Thủy điện Ankroet (1942-1945), đường Prenn mới (1943). Riêng trong năm 1944, có hai cơ sở được chuyển tới Đà Lạt là Trường Kiến trúc từ Hà Nội và Nha Địa dư Đông Dương từ Gia Định.

Dân số thời kỳ này cũng không ngừng tăng lên với tốc độ nhanh: năm 1935 có 4.500 người Việt, 470 người Pháp; năm 1944 có 20.000 người Việt, 1.130 người Pháp. Học sinh Pháp tăng từ 315 năm 1935 lên 1.118 năm 1944. Số du khách tăng từ 1.729 người (4/1940) lên 2.610 (5/1944).

Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Nhân dân Việt Nam đã giành được độc lập sau gần 1 thế kỷ bị Pháp xâm lược. Tuy nhiên, độc lập chưa được bao lâu, năm 1946 Pháp đã trở lại Đà Lạt. Cuộc kháng chiến của Nhân dân Việt Nam lại tiếp tục.

Tháng 4/1946, Hội nghị trù bị Đà Lạt đã diễn ra giữa phái đoàn Pháp với phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cuộc chiến ngày càng bất lợi cho thực dân Pháp, chính quyền ở Đông Dương đang tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam. Ngày 08/3/1949, một thoả hiệp được ký giữa Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Bảo Đại. Ngày 30/12/1949, Pháp tuyên bố cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại độc lập trong Liên hiệp Pháp. Ngày 15/4/1950, Bảo Đại ký Dụ số 6-QT/TD thành lập Hoàng triều cương thổ, chọn Đà Lạt làm thủ phủ.

Sau khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, trong bối cảnh đất nước ta bị chia cắt năm 1954, Đà Lạt thuộc về vùng kiểm soát của chính quyền Ngô Đình Diệm. Năm 1955, Hoàng triều cương thổ bị bãi bỏ. Năm 1958, Đà Lạt được sáp nhập vào một tỉnh mới là tỉnh Tuyên Đức (địa phận từ Lạc Dương tới cầu Đại Ninh), phần đất còn lại lập tỉnh Lâm Đồng.

Trong thập niên 1960, 1970, Đà Lạt đã xuất hiện những công trình mới theo phong cách Việt Nam, nhưng vẫn hài hòa với không gian cổ điển. Đà Lạt thời kỳ này dù không có quy hoạch tổng thể quy mô như trước, nhưng nhiều công trình lớn đã được xây dựng như khu vực Chợ mới, Viện Đại học Đà Lạt (nay là Trường Đại học Đà Lạt), Lữ quán thanh niên (nay là Trường Đoàn), Viện Nguyên tử lực (nay là Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân), Giáo hoàng chủng viện (nay là Cung thiếu nhi), Trường Võ bị Đà Lạt (nay là Học viện Lục quân),...

Bên cạnh quá trình hiện đại hóa đô thị, Đà Lạt vẫn giữ lại những nét truyền thống vốn có của riêng mình. Là một vùng chuyên canh rau và hoa lớn ở Đông Dương từ thời Pháp, Đà Lạt thời kỳ này vẫn tiếp tục phát triển nông nghiệp rau và hoa được áp dụng cơ giới hóa. Đồng thời, Đà Lạt vẫn là một thành phố du lịch quan trọng như tính chất vốn có của nó từ xưa.
    
• ĐÔ THỊ ĐÀ LẠT TRONG THỜI KỲ MỚI VÀ HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI 

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc. Ngày 03/4/1975, Đà Lạt được giải phóng. Thời gian đầu, Đà Lạt vẫn thuộc tỉnh Tuyên Đức, tới năm 1976 thì Đà Lạt trở thành tỉnh lỵ tỉnh Lâm Đồng như ngày nay.

Thời gian này là giai đoạn khó khăn và đầy thử thách của TP Đà Lạt. Công tác an ninh, ổn định chính trị, cải tạo xã hội được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp cản trở quá trình phát triển của thành phố. Vẻ đẹp của thành phố bị xuống cấp ngày một rõ rệt. Trước hết đường sá nội thị bị hư hỏng vì vốn đầu tư ít ỏi lại tập trung cho các con đường ngoại vi. Việc mở rộng diện tích nông nghiệp làm cho các hồ bị bồi lấp nhanh chóng. Việc khai thác rừng thiếu quy hoạch làm ảnh hưởng không ít tới khí hậu và cảnh quan. Cùng với đó, khách du lịch tới Đà Lạt cũng vắng hơn so với trước đây.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội thời gian này vẫn đáng được ghi nhận. Nông dân Đà Lạt trong giai đoạn này sớm tiếp cận với việc ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô vào sản xuất nông nghiệp. Nghề trồng hoa vẫn được duy trì như trước đây để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Hình thức du lịch công đoàn đem lại khởi sắc cho du lịch Đà Lạt, nhiều danh lam thắng cảnh được tôn tạo và nhiều dinh thự được đưa vào phục vụ du lịch.

Năm 1986, công cuộc đổi mới đất nước đã được tiến hành, mang lại “làn gió mới”, cơ hội mới cho sự phát triển của TP Đà Lạt. Đà Lạt được xác định là một trong những trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng của cả nước, ngành du lịch - dịch vụ trở thành kinh tế động lực của địa phương.

• QUY HOẠCH TỔNG THỂ TP ĐÀ LẠT VÀ VÙNG PHỤ CẬN ĐẾN NĂM 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Năm 1993, hướng tới kỷ niệm 100 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893 - 1993), UBND tỉnh Lâm Đồng đã có một bản Quy hoạch tổng thể xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2010. Như vậy là sau 50 năm kể từ khi Lagisquet đã có bản đồ án quy hoạch vào năm 1943, Đà Lạt đã có một bản đồ án quy hoạch tổng thể mới hoàn chỉnh hơn, mở ra định hướng cho sự phát triển lâu dài của TP Đà Lạt. Quy hoạch này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 1994. 

Theo quy hoạch mới, Đà Lạt lúc này vẫn được xác định là tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng, là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng của vùng, cả nước và quốc tế; bên cạnh đó còn là trung tâm văn hóa dịch vụ, đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng của cả tỉnh, đồng thời, là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học của cả nước. Từ đây, không gian đô thị và hạ tầng kỹ thuật cho TP Đà Lạt được đầu tư xây dựng và phát triển.

Trong định hướng phát triển mới nhất của TP Đà Lạt tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2050, mục tiêu xây dựng và phát triển cho Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế. Theo đó, TP Đà Lạt trong tương lai sẽ được mở rộng địa giới bằng việc sáp nhập các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà.

Trải qua 130 năm hình thành và phát triển, kể từ ngày bác sĩ Yersin đặt chân lên miền đất cao nguyên này, Đà Lạt ngày nay là một thành phố du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng, là một điểm đến yêu thích cho du khách trong và ngoài nước tới tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng và tìm về với hoài niệm của Đà Lạt một thời đã xa. Từ buổi đầu ban sơ, là miền núi rừng hoang vu, tới khi hình thành nên đô thị Đà Lạt, một thành phố mộng mơ, xinh đẹp và mang trong mình những giá trị di sản cùng với chiều sâu văn hóa, trường tồn với thời gian.

Lê Thị Hồng Phúc - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Đà Lạt

Lượt xem: 646
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000873064
  •  Đang online: 72
  •  Trong tuần: 3.834
  •  Trong tháng: 27.533
  •  Trong năm: 370.274