TP Đà Lạt tọa lạc trên cao nguyên Lang Biang, với độ cao khoảng 1.500 m so với mực nước biển. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành, nhiệt độ trung bình năm khoảng 18OC, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, từ lâu đã là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước tới tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng. Không chỉ vậy, Đà Lạt 130 năm tuổi còn mang trong mình một chiều sâu văn hóa, lịch sử, với những di sản giá trị còn mãi với thời gian. Dựa theo những tư liệu quý giá được ghi chép lại và lưu giữ theo năm tháng, chúng ta sẽ tìm về với ký ức 130 năm của TP Đà Lạt mộng mơ.
|
Bản đồ Đà Lạt |
• TRÊN BƯỚC ĐƯỜNG KHÁM PHÁ CAO NGUYÊN
Cao nguyên LangBiang là một vùng đất rộng lớn với diện tích khoảng 400 km2, độ cao trung bình 1.500 m và nằm cách biển chỉ hơn 100 km. Tuy nhiên, trong khu vực Tây Nguyên, vùng đất hoang sơ và đầy bí hiểm này lại là một trong những nơi khó đặt chân tới nhất đối với các đoàn thám hiểm. Để tiếp cận được, theo hướng từ đồng bằng duyên hải miền Trung đi lên, phải vượt qua tầng cao nguyên thứ nhất (độ cao trung bình 900 - 1.000 m), trước khi tới cao nguyên LangBiang (độ cao khoảng 1.500 m), địa hình hiểm trở với các khối núi cao dựng đứng và thiên nhiên ẩn chứa đầy những nguy hiểm.
Chính những khó khăn về vị trí địa lý, địa hình, cùng với những nguy hiểm rình rập trong chốn rừng thiêng nước độc ngày đó, nên cho tới trước những năm 80 của thế kỷ XIX, cao nguyên LangBiang gần như vẫn chưa được biết tới một cách rõ ràng, chỉ được ghi chép một cách chung chung trong các thư tịch cổ, hoặc là những câu chuyện truyền miệng trong dân gian về một vùng núi rừng ở đầu nguồn sông Đồng Nai. Trong sách Đại Nam nhất thống chí được viết thời nhà Nguyễn, cao nguyên LangBiang được xác định nằm trong vùng đất gọi chung là Lâm Sơn Phần, thuộc đạo Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận.
Trong thập niên 80 của thế kỷ XIX, một số đoàn thám hiểm đầu tiên đã khám phá vùng thượng nguồn sông Đồng Nai, đi tới cao nguyên LangBiang và đã có một số ghi chép cũng như phác họa được bản đồ của khu vực này. Tuy nhiên, những kết quả đó đã nhanh chóng bị chìm vào quên lãng, vì người Pháp vẫn còn đang bận tâm với việc chinh phục hoàn toàn xứ Đông Dương, chưa quan tâm tới vùng núi rừng xa xôi, hiểm trở này.
Ngày 21/6/1893, bác sĩ Alexandre Yersin đã đặt chân lên cao nguyên LangBiang, đây là thời khắc đánh dấu khai sinh cho TP Đà Lạt về sau. Bác sĩ Alexandre Yersin không phải là người châu Âu đầu tiên đặt chân lên cao nguyên LangBiang nhưng chuyến thám hiểm của ông vào năm 1893 có ý nghĩa quyết định đối với TP Đà Lạt, vì chuyến đi này là tiền đề cho việc khai sinh Đà Lạt. Với những ấn tượng về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ, những năm sau đó, bác sĩ Yersin đã đề xuất thành lập nơi này thành một trạm nghỉ dưỡng trong tương lai, nền tảng cho việc hình thành đô thị Đà Lạt.
• TRẠM NGHỈ DƯỠNG TRÊN CAO NGUYÊN LANGBIANG
Yếu tố thời tiết nóng ẩm, cùng với những căn bệnh của vùng nhiệt đới như sốt rét và thổ tả, đã ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người Pháp tại Đông Dương trong một thời gian dài. Nhiều giải pháp được đưa ra để giải quyết vấn đề này nhưng không hiệu quả.
Trong chuyến công du Ấn Độ năm 1897, Paul Doumer đã được chứng kiến những trạm nghỉ dưỡng (sanatorium) trên núi ở độ cao 1.000 - 2.000 m, được tổ chức tốt và nhận thấy các binh sĩ Anh đóng tại các địa điểm này không bị mắc các bệnh của vùng nhiệt đới, do có khí hậu ôn hòa giống như châu Âu. Từ đây, ông đã mong muốn tìm kiếm những nơi tương tự như vậy ở Đông Dương dành cho công chức và binh sĩ Pháp. Ông đã đặt ra 4 điều kiện cần thiết cho một nơi nghỉ dưỡng là: có độ cao tối thiểu 1.200 m, có nguồn nước dồi dào, có đất canh tác, có khả năng xây dựng đường giao thông dễ dàng.
Giải pháp xây dựng các trạm nghỉ dưỡng trên núi cao của Paul Doumer đã giúp cho việc thám hiểm cao nguyên LangBiang của bác sĩ Yersin giờ đây không chỉ là những dòng ghi chép trong các bản báo cáo hay nhật ký hành trình nữa, mà đã có điều kiện để tiềm năng của nơi này được đánh thức. Ngày 19/7/1897, bác sĩ Yersin đã giới thiệu với Toàn quyền Paul Doumer về cao nguyên LangBiang và đề nghị xây dựng tại đây thành một nơi nghỉ dưỡng cho người Pháp.
Sau khi nghiên cứu đề xuất của Yersin, Paul Doumer đã cho lập các phái đoàn thám hiểm đã được thành lập để khảo sát xây dựng những tuyến đường bộ và đường sắt lên cao nguyên LangBiang, như phái đoàn của Thouard và Wolff (1897), phái đoàn Oddéra, phái đoàn Bernard (1898). Năm 1899, một con đường mòn từ cửa Nại (gần biển Ninh Chữ) được xây dựng để nối lên cao nguyên LangBiang và hoàn thành vào năm 1900. Một dự định về giao thông khác cũng được thực hiện là một tuyến đường sắt sẽ được thiết lập, tách ra từ Phan Rang trên con đường Sài Gòn - Nha Trang để đi lên cao nguyên LangBiang...
Tháng 3/1900, Toàn quyền Paul Doumer đã quyết định lên cao nguyên LangBiang để khảo sát thực tế. Cũng trong năm 1900, bác sĩ Tardif, một người trong phái đoàn Guynet làm đường lên cao nguyên, đã tìm hiểu về vùng đất này và ông đã gửi cho Paul Doumer bản phúc trình phân tích những điều kiện để chọn Đà Lạt sẽ là nơi xây dựng trạm nghỉ dưỡng trong tương lai, thay vì Dankia theo đề nghị của bác sĩ Yersin. Sau nhiều nghiên cứu, Đà Lạt đã chính thức được chọn làm nơi xây dựng trạm nghỉ dưỡng, cơ hội khai sinh cho đô thị Đà Lạt đã bắt đầu từ đây.
Ngày 01/11/1899, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã ký Nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng (Haut-Donnai), được xác định trong khu vực vùng thượng lưu sông Đồng Nai tới ranh giới Nam Kỳ và Lào, trung tâm tỉnh đặt tại Di Linh (Djiring) và thành lập 2 trạm hành chính tại Tánh Linh và cao nguyên LangBiang.
• ĐÔ THỊ ĐÀ LẠT TRÊN BƯỚC ĐƯỜNG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, con đường hàng hải về Pháp bị gián đoạn, đã mở ra một cơ hội tái sinh và phát triển nhanh chóng cho đô thị Đà Lạt, xuất phát từ nhu cầu nghỉ dưỡng. Mặc dù đường sá đã thuận lợi hơn nhưng cơ sở hạ tầng của Đà Lạt lại chưa thể đáp ứng được, do một thời gian dài không được quan tâm đầu tư. Vì vậy, lúc này cần có những cơ sở pháp lý mới hơn, mở ra những điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng.
Năm 1916, tỉnh LangBiang và thị tứ Đà Lạt được thành lập. Năm 1920, khu tự trị LangBiang được thành lập với việc xác định lại địa giới là khu vực Đà Lạt và vùng phụ cận, phần còn lại tái lập tỉnh Đồng Nai Thượng (tỉnh lỵ ở Di Linh). Như vậy, lúc này xuất hiện 2 tỉnh mới là LangBiang và Đồng Nai Thượng.
Năm 1919, Jean O’Neill đã vẽ bản đồ án mới cho Đà Lạt, cân bằng lại không gian lãnh thổ nghiêng về tính chất dân sự hơn so với bản đồ án của Paul Champoudry. Trong bản đồ án đã có sự quy hoạch về những khu vực dành cho người Việt ở khu vực bờ Bắc suối Cam Ly. Từ đây, Đà Lạt đã có điều kiện trỗi dậy và phát triển nhanh chóng.
Hoạt động mua bán, chuyển nhượng đất đai ở Đà Lạt lúc này diễn ra khá sôi nổi. Nhiều công trình bắt đầu được xây dựng tạo nên diện mạo ban đầu cho thành phố: Khách sạn Langbian Palace (1916 - 1922), nhà máy điện (1918), nhà bưu điện (1920),... Đặc biệt, năm 1919, kỹ sư Labbé đã xây đập trên suối Cam Ly tạo thành hồ Xuân Hương. Dân số Đà Lạt lúc này cũng tăng nhanh chóng: năm 1923 là 1.500 người, tới năm 1925 tới hơn 2.400 người .
Năm 1922, một bản đồ án quy hoạch Đà Lạt mới được kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết kế và Toàn quyền Maurice Long thông qua năm 1923. Đồ án thể hiện một tầm nhìn vô cùng lớn về tham vọng biến Đà Lạt trở thành một trung tâm hành chính của Đông Dương với một loạt những công trình lớn. Ông chia thành phố ra làm 3 khu vực: người Pháp, người Việt và trung tâm hành chính với chức năng thủ phủ Đông Dương. Tuy nhiên, bản đồ án này bị các quan chức đương thời cho là quá tham vọng và kết quả là chỉ thực hiện được con đường quanh hồ và Khu hành chính cơ bản được bố trí ở vị trí như ngày nay nhưng không được đầu tư quy mô như đề án. Dù vậy, những tư tưởng chủ đạo của bản đồ án vẫn được tham khảo để các bản đồ án tiếp theo hoàn thiện hơn. Cuối cùng, cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933 đã buộc chính quyền thuộc địa phải cắt giảm ngân sách mạnh mẽ và cũng khiến cho bản đồ án quy hoạch không thực hiện được hoàn toàn.
Trong thời gian này, những con đường giao thông lên Đà Lạt được đầu tư xây dựng nhanh với quy mô vô cùng lớn:
- Về đường bộ: được mở rộng hơn, đặc biệt là con đường bộ nối trực tiếp từ Sài Gòn tới Đà Lạt qua ngã ba Dầu Giây và đèo Bảo Lộc được phác thảo, xây dựng và hoàn tất vào năm 1932.
- Về đường sắt: năm 1922, đường sắt LangBiang đã được khởi công xây dựng để kết nối với Đà Lạt và hoàn thành toàn tuyến vào năm 1932. Tuyến đường dài 84 km được vận hành đã có vai trò vô cùng to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội và giao thông vận tải cho Đà Lạt.
Mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933 đã làm cho đồ án của Hébrard không thực hiện được và việc quy hoạch Đà Lạt tưởng chừng bị đình trệ. Nhưng với đà tăng dân số, cùng nhu cầu phát triển đô thị đã đặt ra nhu cầu cho những quy hoạch mới. Cuộc khủng hoảng khiến cho dòng đầu tư kinh tế ở nhiều nơi bị đình trệ, nhưng lại góp phần làm tăng dân số cho Đà Lạt khi mà số người lên Đà Lạt thời kỳ này xây dựng các biệt thự ngày càng đông. Năm 1933, kiến trúc sư Pineau đã thiết kế một đồ án mới cho Đà Lạt, nghiên cứu chỉnh trang và mở rộng Đà Lạt và định hình thành phố theo cấu trúc thành phố - vườn, chú trọng hơn mảng xanh cho thành phố và khu vực phụ cận.
Bản đồ án của Pineau cố gắng duy trì vẻ đẹp của các danh lam thắng cảnh ở Đà Lạt, dành một khu vực rộng lớn hình cánh quạt mà tâm điểm là Đà Lạt và tỏa ra đến tận dãy LangBiang cho khu bất kiến tạo và đề nghị thành lập vườn quốc gia. Đồ án của ông có tính thực tiễn cao trong việc quy hoạch đô thị Đà Lạt. Nhiều ý tưởng đã được quan tâm nghiên cứu trong việc chỉnh trang đô thị Đà Lạt ở các giai đoạn sau này và ý tưởng về một thủ phủ của Đông Dương ở Đà Lạt lại được kiến trúc sư Pineau nhắc lại với mật độ rất lớn.
Trong thập niên 1930, nhiều công trình mới ở Đà Lạt đã được xây dựng và đưa vào sử dụng như: nhà ga Đà Lạt (1932 - 1938), Trường Lycée Yersin (1935), Viện Pasteur Đà Lạt (1936), cùng rất nhiều biệt thự mang kiến trúc độc đáo, thể hiện dấu ấn riêng của Đà Lạt cũng được xây dựng trong thời gian này.
Như vậy, từ khi được đánh thức tiềm năng, trong hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Đà Lạt đã mang trong mình một sức hấp dẫn kỳ diệu, thu hút rất lớn du khách tới tham quan du lịch.
Trong thập niên 1930, đầu thập niên 1940, làn sóng di cư của người Việt lên Đà Lạt ngày càng đông và đã có những ấp đã được thành lập: ấp Hà Đông (1938), ấp Nghệ Tĩnh (1940) và một loạt các ấp, các điểm dân cư khác tiếp tục ra đời.
Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ làm người Pháp một lần nữa không thể hồi hương và Đà Lạt lại tiếp tục tăng nhanh về dân số, khiến cho nhiều khu dân cư hình thành một cách vội vã và mất trật tự. Trước tình hình đó, Toàn quyền Jean Decoux đã quyết định thông qua một đồ án mới chỉnh trang Đà Lạt theo một trật tự và hài hòa vào năm 1943 - đồ án Lagisquet...
(Còn nữa)