Chào mừng kỷ niệm 49 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024) Chào mừng kỷ niệm 49 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024)
Ðặc sản Ðà Lạt thời 4.0 In trang
07/08/2019 12:00 SA

Chỉ cần thao tác “quét” mã vạch là có ngay các thông tin nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn, chất lượng... của các sản phẩm đặc sản Ðà Lạt một cách chi tiết. Ðó là tất cả những gì mà tỉnh Lâm Ðồng đang hướng đến, xây dựng đề án bảo vệ nhãn hiệu đặc sản Ðà Lạt và nhanh chóng tiếp cận công nghệ thời 4.0
 

Các sản phẩm đặc sản Đà Lạt ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm về mẫu mã, chất lượng. Ảnh: D.T
Các sản phẩm đặc sản Đà Lạt ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm về mẫu mã, chất lượng. Ảnh: D.T


 
Thành phố Đà Lạt hiện có 183 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh các mặt hàng đặc sản Đà Lạt, trong đó phần lớn là sản xuất mang tính thủ công. Thời gian qua, mặt hàng đặc sản Đà Lạt đã bị xâm hại nghiêm trọng bởi các hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ từ các nơi tuồn về Đà Lạt, sau đó gắn nhãn mác, mạo danh thương hiệu đặc sản của Đà Lạt. Việc này gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng uy tín thương hiệu nông sản Đà Lạt và quyền lợi của người tiêu dùng. Nhằm giúp du khách và người tiêu dùng yên tâm sử dụng các sản phẩm đặc sản an toàn, chính hiệu của Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đang khẩn trương triển khai đề án truy xuất nguồn gốc các mặt hàng đặc sản bằng phần mềm quét mã vạch.
 
Theo ông Ngô Thanh Sơn - Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương: Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý, truy xuất nguồn gốc các mặt hàng đặc sản Đà Lạt” được tỉnh triển khai để chấn chỉnh triệt để tình trạng giả nhãn mác đặc sản Đà Lạt. Người tiêu dùng sẽ truy xuất được các thông tin về nguồn gốc sản phẩm thông qua mã số, mã vạch được in trên bao bì sản phẩm bằng phần mềm quét mã vạch tích hợp trên điện thoại thông minh. 
 
Chỉ cần quét mã vạch người tiêu dùng truy xuất được các thông tin về nhà sản xuất, địa chỉ sản xuất, số điện thoại, số fax, thông tin về sản phẩm thông qua mã số mã vạch trên sản phẩm, kể cả việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng đặc sản, bảo vệ thương hiệu, chống gian lận thương mại, đưa hàng đặc sản Đà Lạt đến tay người tiêu dùng. Nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến và kinh doanh hàng đặc sản Đà Lạt.
 
Ông Bùi Thế - Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng cũng cho biết: Quy trình trên được sử dụng phần mềm Scan and Check của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ. Thông qua phần mềm này, sẽ cung cấp cho người tiêu dùng các thông tin chính thống về doanh nghiệp, chủ thương hiệu và thông tin về sản phẩm hàng hóa do chính nhà sản xuất kê khai. Đồng thời, giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt thông tin về tình trạng hợp lệ của mã số mã vạch đầu 893 gắn trên sản phẩm hàng hóa. Những doanh nghiệp có hành vi vi phạm việc sử dụng mã số mã vạch sẽ bị cắt thông tin khỏi Mạng đăng ký toàn cầu thông tin điện tử mà các bên sử dụng, Scan and Check sẽ cảnh báo cho các cơ quan chức năng biết để thanh tra, xử phạt. “Các cơ sở có nguồn gốc xuất xứ sản phẩm rõ ràng thì sẽ được hỗ trợ mã số mã vạch in trên bao bì. Người tiêu dùng tải phần mềm "Scan and Check", từ phần mềm này họ chụp mã số mã vạch trên sản phẩm đặc sản của các cơ sở sản xuất thì điện thoại sẽ hiện lên thông tin nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm đó. 
 
Bước đầu Sở Công thương sẽ hỗ trợ khoảng 100 cơ sở sản xuất đặc sản, cung cấp cho họ mã số mã vạch. 
 
Điều đặc biệt của đề án này là phạm vi thực hiện không chỉ TP Đà Lạt mà còn có các vùng phụ cận gồm Lạc Dương, Đơn Dương, một phần huyện Lâm Hà. 
 
Hiện toàn tỉnh có 436 doanh nghiệp đăng ký mã số mã vạch, trong đó có 304 đang sử dụng mã số mã vạch, riêng mặt hàng đặc sản đã có 18 doanh nghiệp sử dụng mã số mã vạch trên các sản phẩm. Năm 2019 sẽ có 100 doanh nghiệp được hỗ trợ, trong đó, hỗ trợ 82 cơ sở làm đăng ký mã số mã vạch và phí sử dụng mã số mã vạch trong vòng một năm; năm 2020 tiếp tục hỗ trợ cho 100 cơ sở sản xuất. 
 
Ông Nguyễn Văn Yên - UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng nhấn mạnh rằng: Cùng với lộ trình xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh thì việc các sản phẩm đặc sản Đà Lạt được ứng dụng công nghệ thông tin là tất yếu và cũng là một trong những bước tiến quan trọng, nâng tầm cho sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương. Với những bước đi đã được lên kế hoạch cụ thể và đang từng bước thực hiện, đặc sản Đà Lạt thời 4.0 không chỉ là công nghệ, chất lượng, uy tín sản phẩm được nâng lên mà còn khẳng định thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. 
 
DIỄM THƯƠNG
 

Lượt xem: 1.164
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 000602257
  •  Đang online: 8
  •  Trong tuần: 5.209
  •  Trong tháng: 23.556
  •  Trong năm: 99.468